Dưới đây là nội dung buổi đối thoại chính sách được tổ chức tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vào ngày 20/6/2022 vừa qua. Buổi đối thoại có sự tham gia của đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Phòng Văn hoá Thông tin, Phòng Tư pháp, Phòng Giáo dục Đào tạo, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, và đặc biệt là sự tham gia đặt câu hỏi của các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số huyện. Buổi đối thoại cũng đã được phát sóng trên chương trình phát thanh "Vì trẻ em" của VOV2 - AM 549 vào chủ nhật, ngày 31/7/2022, và phát lại lúc 13h30 cùng ngày.
Thưa quý vị, Em Vui là một sáng kiến trong khuôn khổ dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số”, do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Tổ chức Plan International Vietnam cùng thực hiện, với sự đồng hành tài trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Plan International Bỉ. Dự án được triển khai tại 11 huyện, 54 xã của 4 tỉnh là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, và Quảng Trị trong 3 năm, từ 2020 – 2023.
Nền tảng Em Vui là một nội dung trong chương trình dự án này. Hiện tại Em Vui đã được thiết kế và hoàn thiện trên nền tảng website https://emvui.vn, ứng dụng điện thoại Em Vui trên App Store và CH Play, cùng 6 kênh mạng xã hội đều có tên là Dự án Em Vui, trên Facebook, Youtube, TikTok, Instagram, Zalo, Twitter.
Là một trong những đơn vị thuộc vùng dự án, vừa qua huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã tổ chức buổi đối thoại chính sách với các em thanh thiếu niên trên địa bàn nhằm tăng cường vai trò của các em và cán bộ hội viên phụ nữ, nhân dân trong việc xoá bỏ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại địa phương. Sau đây chúng tôi xin được trích dẫn một số ý kiến của các em cùng phần trả lời của bà Lù Thị Lâm, Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang; ông Trần Trí Nhân, Phó Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện; bà Nguyễn Thị Bích Hà, Trưởng phòng Tư pháp huyện; bà Đặng Thị Mừng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện; và ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó Trưởng phòng Lao động Thương Binh và Xã hội huyện. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.
Em thanh thiếu niên (TTN) 01: Sau đây cháu xin được hỏi các bác một câu hỏi. Hiện nay Hội Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì đã làm gì và đang làm gì để giảm thiểu việc tảo hôn tại địa phương Hoàng Su Phì? Chúng em có phải là đối tượng yếu thế cần được hỗ trợ không?
Bà Lù Thị Lâm, Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện: Xin cảm ơn câu hỏi của cháu. Xin được đại diện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện xin có một số thông tin để gửi đến cháu cùng toàn thể buổi đối thoại. Thứ nhất là để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện thì trong những năm qua, Hội LHPN huyện đã có rất nhiều chương trình tuyên truyền cũng như các hoạt động, các diễn đàn góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là trú trọng về vùng đồng bao dân tộc thiểu số, bao gồm những nội dung như nguyên nhân, hậu quả, những giải pháp cần tránh. Như vậy người dân sẽ hiểu hơn về những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó giúp các em tuổi vị thành niên sẽ hiểu hơn. Nội dung thứ hai Hội LHPN huyện tham gia để góp phần giảm thiểu, đó là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện pháp luật, ý thức về pháp luật, tự tôn pháp luật, nhất là hiểu biết về luật hôn nhân gia đình, các quy định về xử lý tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định của luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trẻ em là một trong những người được trợ giúp pháp lý. Đây là một số ý kiến phúc đáp câu hỏi của cháu.
Em TTN 02: Kính thưa các bác lãnh đạo huyện. Cháu có câu hỏi mong muốn hỏi các bác là chị H. và chị N. là 2 chị em cùng cha, cùng mẹ. Chị H. muốn gả con cho chị N. nhưng con chị H. và con chị N. không thích nhau, không yêu nhau. Cháu xin hỏi là trong trường hợp này có phải là vi phạm luật hôn nhân cùng huyết thống không ạ?
Bà Nguyễn Thị Bích Hà, Trưởng phòng Tư pháp huyện: Cảm ơn câu hỏi của cháu. Như vậy cháu hỏi câu hỏi là chị H., chị N. là 2 chị em ruột, phải không ạ? Chị H. và chị N. theo phân tích ra ở đây thì có họ trong phạm vi 3 đời, và con của chị H., chị N. là đời thứ 3. Như vậy nếu như con của chị H., chị N. mà kết hôn với nhau thì đó vi phạm quy định có họ trong phạm vi 3 đời, như vậy sẽ không được kết hôn. Nếu như cố tình cho 2 bên kết hôn, và ở đây là họ không yêu nhau, thì vi phạm tổ chức cho những người có họ trong phạm vi 3 đời lấy nhau sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng. Ngoài ra nếu như trong trường hợp này vẫn còn có cưỡng ép nữa, bởi vì 2 bên không thật sự đến với nhau, thì còn có thể bị xử lý về hành vi là cưỡng ép kết hôn. Ở đây quy định rất rõ ở Nghị định 82, mức phạt cũng là 10 – 20 triệu đồng.
Em TTN 03: Kính thưa các cô, các chú, các bác lãnh đạo. Cháu có 1 câu hỏi là ở thôn cháu có 1 bạn đang đi học thì bị bố mẹ bắt đi lấy chồng. Bạn không đồng ý và bị bố đánh. Nhưng bố bạn đấy cứ quyết định sẽ nhận sính lễ và cho bạn đi lấy chồng nên bạn đã bỏ nhà ra đi và không biết đi đâu. Cháu xin hỏi là trong trường hợp này thì sẽ xử lý như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bích Hà, Trưởng phòng Tư pháp huyện: Cảm ơn câu hỏi của cháu. Đây là một trong những vấn đề chúng ta rất quan tâm. Theo quy định của Nghị định 82, quy định rất rõ về hành vi ép kết hôn sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng. Ngoài ra có thể truy cứu, tuy nhiên ở đây cũng thật sự rất khó cho cơ quan chức năng để chứng minh được rằng đó là hành vi ép kết hôn. Trường hợp ở đây là nhận sinh lễ thì cũng có thể coi là một dấu hiệu của việc cưỡng ép kết hôn, nhưng mà cũng rất khó để xử lý người bố, người mẹ này. Và ở trường hợp này cũng rất mong muốn rằng chính quyền địa phương cũng vào cuộc để tuyên truyền, vận động cho gia đình. Nếu như có đầy đủ các chứng cứ chứng minh được hành vi cưỡng ép hoặc hành vì xâm hại sức khoẻ thì có thể xử phạt theo Nghị định 82, xử phạt vi phạm hành chính từ 10 – 20 triệu đồng, hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144 năm 2021 về lĩnh vực liên quan đến bạo lực gia đình. Cái nội dung này tuỳ vào tình huống cụ thể để cơ quan chức năng có thể áp dụng để xử lý. Chủ yếu chúng ta ở đây là công tác tuyên truyền để vận động để gia đình cũng như bản thân các cháu giảm thiểu được tảo hôn và hôn nhân cận huyết, đặc biệt là cưỡng ép kết hôn.
Em TTN 04: Cháu xin hỏi khi có xảy ra nạn tảo hôn thì có được truyền thông cho anh, chị, bố mẹ, bà con thôn xóm nâng cao nhận thức về phòng chống tảo hôn không. Cách làm như thế nào? Điều kiện cần thiết là gì?
Ông Trần Trí Nhân, Phó Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện: Cảm ơn câu hỏi của cháu. Để trả lời câu hỏi này, tôi có 1 số ý sau: Đến bây giờ chắc các cháu ít nhiều cũng biết, đã nắm được những tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết, vì vậy cho nên việc giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết nó không phải riêng của 1 ngành văn hoá, mà nó phải có sự vào cuộc, chủ trì. Không riêng gì các cháu đặt câu hỏi ở đây mà có lẽ là tất cả các cháu ở đây, chúng ta đều nằm trong nhóm nguy cơ có thể chịu ảnh hưởng của nạn tảo hôn, đặc biệt là việc cưỡng ép hôn nhân. Như vậy tôi mong rằng với nhận thức, năng lực của mình các cháu ở mọi lúc, mọi nơi có thể tuyên truyền vận động gia đình, bạn bè và cộng đồng, nơi các cháu sống, học tập để nâng cao nhận thức, từ đó chúng ta có những biện pháp để đấu tranh chống lại nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Về biện pháp thì có lẽ các cháu ở đây cũng càng phải nắm được. Ngoài việc tuyên truyền ra thì các cháu cần chủ động, đặc biệt cần mạnh dạn cương quyết đấu tranh ngay trong gia đình mình, trong cộng đồng mình. Khi gia đình có ý muốn, ý định thì các cháu có thể dựa vào anh em bạn bè, dựa vào các thầy cô giáo, cũng như các vị chính quyền địa phương hỗ trợ các cháu cương quyết chống lại những hành vi đó.
Em TTN 05: Kính thưa các bác lãnh đạo huyện. Cháu có câu hỏi mong muốn hỏi các bác là: Em năm nay 16 tuổi. Bố mẹ em bắt em phải đi lấy chồng nhưng em muốn đi học tiếp. Em cần sự giúp đỡ thì em tìm đến ai ạ?
Bà Đặng Thị Mừng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện: Cảm ơn câu hỏi của cháu. Với câu hỏi này cô mong các em, nếu mà có ai đó gặp phải tình huống như thế này, mong các em trước tiên báo với giáo viên chủ nhiệm. Nếu các em không ngồi trên ghế nhà trường thì sẽ gặp tổ chức Đoàn hoặc tổ chức Phụ nữ tại địa phương, thôn, xóm của các em. Các tổ chức đó hoặc nhà trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức, tuyên truyền, vận động phụ huynh của các em. Và khi đó thì các em mới có thể không bị ép phải lấy chồng và các em sẽ được đi học tiếp. Cô cũng rất mong các em mạnh dạn.
Em TTN 06: Kính thưa các bác lãnh đạo huyện. Cháu xin hỏi là để xoá bỏ nạn tảo hôn và các hủ tục lạc hậu cần sự vào cuộc của những ban ngành nào, và vai trò của chúng cháu có quan trọng không ạ?
Ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó Trưởng phòng Lao động Thương Binh và Xã hội huyện: Thưa toàn thể các đồng chí. Nạn tảo hôn trên địa bàn huyện, trước đây thì do sự nhận thức của các gia đình còn hạn chế. Trong những năm gần đây thì công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản của chính phủ… đã có những quy định về xử lý những hành vi của nạn tảo hôn. Đối với các ban ngành cấp thôn thì có chi hội Phụ nữ cũng như các ngành đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, các già làng… thì khi để xảy ra các trường hợp gia đình có ý định tổ chức đám cưới cho các em chưa đủ tuổi thì theo luật đã quy định rồi, chúng ta phải tổ chức thành lập các tổ, các đoàn để tuyên truyền. Vai trò của các cháu muốn xoá bỏ nạn tảo hôn thì: Thứ nhất, các cháu có quyền được đi học, được trang bị những kiến thức cho các cháu để sau này trở thành những chủ nhân tương lai, cũng như việc để cho bố mẹ áp đặt lấy vợ lấy chồng sớm, hoặc lấy vợ lấy chồng theo hôn nhân cận huyết thì các cháu nên tuyên truyền cho tất cả các bạn cùng trang lứa với các cháu là cố gắng học tập làm sao đến hết chương trình lớp 12, hết trung học phổ thông, sau đó các cháu mang những kiến thức của mình để tuyên truyền cho gia đình, nói việc tốt để cho gia đình nhận biết. Ví dụ như: Trẻ em chúng con năm nay chưa đủ 18 tuổi, chưa đủ 20 tuổi thì chúng con chưa hết tuổi lớn. Nếu đẻ con ra thì sau này chúng con sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thứ 2 là các cháu phải phân tích được cho bố mẹ hoặc gia đình là việc tảo hôn này để lại những hệ luỵ như thế nào. Năm 2022 tỉnh Hà Giang đã ban hành chỉ thị 09, chỉ đạo các ban ngày tỉnh xây dựng đề án để xoá bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Để xoá bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thì vai trò của các cháu là chủ đạo. Làm sao mà các cháu cương quyết, phân tích nếu như bố mẹ, gia đình, anh em dòng tộc vẫn cương quyết gã các cháu thì các cháu báo cáo lên các cấp có thẩm quyền như trưởng thôn, cán bộ tư pháp xã, trưởng công an xã. Sau đó vận động tuyên truyền gia đình.
Tải file audio của buổi đối thoại TẠI ĐÂY.
Nếu bạn có câu hỏi liên quan đến phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người muốn hỏi chuyên gia, hãy đặt câu hỏi của bạn trong phần bình luận bên dưới. Dự án Em Vui sẽ gửi câu hỏi của bạn đến các chuyên gia liên quan.