Một câu chuyện về cưỡng ép kết hôn và những thương tổn?
Hoa, một cô gái 14 tuổi đang đi học lớp 8 ở một trường DTNT huyện. Một hôm mẹ của Hoa nói, có người trai nói là thích Hoa và hôm nay sẽ bắt Hoa làm vợ. Hoa nghĩ, chắc là người nào nói nói đùa, vì Hoa vẫn còn trẻ con và đang đi học… Tuy nhiên, chiều tối hôm đó, Hoa đi ra ngoài đường thì bị hai ba người thanh niên đến “bắt vợ”. Hoa chống trả và gào khóc… rất may, vụ bắt vợ này xảy ra ngay trong bản và gần nhà của Hoa, khi thấy Hoa kêu khóc có nhiều người đến và ngăn cản nên những người bắt vợ thấy ngại và thả Hoa về… Các bạn nghĩ gì khi đọc về câu chuyện này?
Bắt vợ/ cưỡng ép hôn nhân là gì?
Bắt vợ (Cưỡng ép kết hôn – forced marriage) là một hành vi vẫn tồn tại trong một số cộng đồng dân tộc. Là hành vi người nam dùng vũ lực để đưa người nữ về nhà để làm đám cưới. Có nhiều lý giải cho hành vi bắt vợ như đây là phong tục tập quán, hành động này chỉ là thủ tục truyền thống dựa trên sự thỏa thuận và mối quan hệ tình cảm có trước, hai người đồng ý trước, hoặc bắt vợ là giải pháp giúp bạn trai nghèo không đủ điều kiện thực hiện thách cưới của nhà gái vẫn lấy được vợ. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều điểm cần bàn về tác động và hậu quả của hành vi này với vị thành niên, đặc biệt là bạn gái. Cưỡng ép kết hôn là một trong những hành vi bị cấm trong luật hôn nhân và gia đình.
Hậu quả của cưỡng ép kết hôn với nạn nhân và cộng đồng dân tộc?
- Tổn thương về thể chất: Hành động bắt vợ (kể cả các trường hợp được coi là thủ tục theo văn hóa, tập quán) nhưng hai ba người nam giới trưởng thành lôi kéo, xô đẩy một cách thô bạo với một bạn gái (đặc biệt có nhiều trường hợp ở tuổi vị thành niên) gây ra những tổn thương về thể chất, bầm tím cơ thể
- Tổn thương về tinh thần: hành động bắt vợ một cách thô bạo với nhiều người nam lôi kéo, bắt ép một người nữ, trong khi người bên ngoài (kể cả người thân trong gia đình người nữ) không được phép giúp giải thoát khỏi tình trạng bắt vợ, sẽ gây tác động tâm lý và tinh thần
- Với bạn nữ, đặc biệt khi bạn nữ chưa thật sự sẵn sàng và đồng ý sẽ kết hôn với người nam giới đó vì bất kỳ lý do gì. Trong trường hợp này, việc cưỡng ép kết hôn sẽ gây ra những thương tổn rất lớn về tâm lý và tinh thần với bạn nữ.
- Tổn thất về hình ảnh của cộng đồng dân tộc: Khi hành vi bắt vợ/ cưỡng ép kết hôn được diễn ra phổ biến tại các khu công cộng, chợ, trong các dịp lễ tết gây ra sự chú ý rất nhiều của cộng đồng dân tộc nói riêng và người dân ở các vùng miền, hành động bắt vợ đã tạo ra hình ảnh không tích cực về tập quán, lối sống và văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc, ảnh hưởng rất lớn khi tạo ra những hình ảnh đầy bạo lực giới và phổ biến trong cộng đồng cũng như trên các trang mạng xã hội. Điều này có thể dẫn đến các phản ứng tiêu cực, sự phản đối của xã hội và sự kỳ thị - phân biệt đối xử với cộng đồng dân tộc.
- Thúc đẩy hành vi bạo lực giới: Như nói ở trên, hành vi bắt vợ/ cưỡng ép kết hôn là những hành động thể hiện bạo lực giới cả về thể chất, cảm xúc và tinh thần dù với bất cứ sự giải thích nào về văn hóa, tập quán, thủ tục truyền thống. Việc duy trì hành vi Bắt vợ/ cưỡng ép kết hôn trong cộng đồng thúc đẩy và dung dưỡng cho các hành vi bạo
- lực giới trong cộng đồng.
Nguyên nhân của cưỡng ép kết hôn?
- Quan niệm về giới và bình đẳng giới của người dân bao gồm vị thành niên và người lớn còn hạn chế, không có sự nhận thức rõ ràng về hành vi bạo lực giới thể chất, tinh thần với cưỡng ép kết hôn và thủ tục văn hóa truyền thống. Đặc biệt vai trò, vị thế của người phụ nữ, sự bình đẳng giới giữa nam và nữ… quan niệm trọng nam khinh nữ, quan niệm về quyền lực của nam giới vẫn chiếm ưu thế khi hành động chiếm đoạt, bắt vợ vẫn được nam giới và cộng đồng chấp nhận.
- Nhận thức của cộng đồng về cưỡng ép kết hôn: khi hành vi bắt vợ (cưỡng ép kết hôn) khi còn được coi là thực hiện theo phong tục, hoặc thủ tục hôn nhân của mỗi dân tộc thì tình trạng cưỡng ép kết hôn còn xảy ra.
- Nhận thức của người dân về luật hôn nhân gia đình, luật
hình sự còn rất hạn chế
Câu hỏi được đặt ra, nếu hoạt động “bắt vợ” chỉ là thủ tục thì người ta có thể dùng một sợi dây nhỏ, hoặc sợi chỉ hồng buộc vào tay và dẫn người nữ về nhà, thì tại sao người ta lại dùng rất nhiều hành động bạo lực như giằng giật, kéo, bế xốc, vác để bắt người như vậy?
Đối mặt với tình trạng cưỡng ép kết hôn trong cộng đồng như thế nào?
- Cần có các hành động phản đối cưỡng ép kết hôn trong các cộng đồng dân tộc, loại trừ cách hành động mang tính bạo lực trong các thủ tục kết hôn tại cộng đồng
- Truyền thông với cộng đồng, đặc biệt là vị thành niên về giới và bình đẳng giới và các tổ chức của thanh niên, vị thành niên đặc biệt là đoàn thanh niên và hội LHTN nên có các thỏa thuận và cam kết cộng đồng về bình đẳng giới trong đó nhấn mạnh nói không với các hành vi bạo lực giới bao gồm cả cưỡng ép kết hôn và hành động mang tính bạo lực trong thủ tục kết hôn truyền thống.
- Người dân trong cộng đồng cần chủ động phản đối hành vi bắt vợ, cưỡng ép kết hôn dưới mọi hình thức, không chia sẻ hình ảnh, thông tin về những hành vi này trên mạng xã hội, vận động chính quyền địa phương và những người có trách nhiệm trong cộng đồng đưa việc
- cấm hành vi bắt vợ vào hương ước, quy định của cộng đồng/ dân tộc.
Bài viết được thực hiện bởi Bs. Phạm Vũ Thiên (CCIHP). Hình ảnh miễn phí từ: https://pixabay.com/
Tải tài liệu TẠI ĐÂY.