Giới tính là gì?
Là các đặc điểm sinh học của một người để phân biệt người đó là nam hay nữ, thông qua:
-
- Nhiễm sắc thể giới tính
- Cơ quan sinh dục
- Hoóc-môn
- Các đặc điểm thứ cấp
Không một yếu tố sinh học đơn lẻ nào quyết định giới tính, mà nó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố sinh học và hoạt động chức năng của chúng. Do đó, giới tính rất đa dạng.
Căn cứ theo các tổ hợp nhiễm sắc thể, có ít nhất 6 giới tính mà không gây sẩy thai, gồm:
XX – tổ hợp thường gặp nhất, tạo thành con gái
XY – tổ hợp thường gặp nhất, tạo thành con trai
Ngoài ra còn có
X: từ 1/ 2000 – 1/ 5000 người (Turner) | XXY: từ 1/ 500 – 1/ 1000 người (Klinefelter)
XYY: 1/1000 người | XXXY: từ 1/ 18000 – 1/ 50000 người
Vì vậy, trong 7,5 tỷ người trên trái đất, có hàng chục triệu người có giới tính khác với hai nhóm phổ biến là “nam” và “nữ”.
Người liên giới tính: người có cơ quan sinh dục không rõ ràng, khó xác định giới tính nếu chỉ quan sát bằng mắt thường khi mới sinh ra.
Giới khác Giới tính như thế nào?
Giới là những đặc điểm xã hội, tâm lý và văn hoá, thường gắn với giới tính “nam” hoặc “nữ” của một người khi sinh ra.
Khác với giới tính (đặc điểm cơ thể khi sinh ra), giới hình thành từ sự nuôi dạy, định hướng, của gia đình, nhà trường, truyền thông, niềm tin tôn giáo, hay nền văn hóa… đối với một người từ khi còn nhỏ, chứ không phải “sinh ra đã thế”.
Ví dụ, với người Kinh ở Việt Nam:
“Đàn ông” (hay con trai/ nam giới) | “Phụ nữ” (hay con gái/ nữ giới) |
Gắn với đặc điểm “nam tính”: tính cách mạnh mẽ, lý trí, cứng rắn Vai trò trong gia đình: là người đưa ra các quyết định chính, trụ cột gia đình. Hay ra ngoài kiếm tiền, không làm việc nhà. | Gắn với đặc điểm “nữ tính”: tính cách dịu dàng, cảm tính, mong manh Vai trò trong gia đình: là người chăm sóc các thành viên khác, hay làm nội trợ (nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa…) |
Nghiên cứu của Margaret Mead về các bộ tộc khác nhau ở New Guinea:
- “Arapesh” – mọi người đều hợp tác, bình đẳng, hiền hoà, có trách nhiệm với người khác
- “Mundugumor” – cả nam và nữ đều cứng rắn và hung bạo
- “Tchambuli” – phụ nữ thống trị, hung bạo và là người trụ cột về kinh tế; nam giới phụ thuộc, ngồi lê đôi mách và quan tâm đến ngoại hình
Các khuôn mẫu giới
Ở nhiều cộng đồng và nền văn hóa, con người thường được giáo dục, định hướng, phán xét theo những khuôn mẫu, tiêu chuẩn về thế nào là “đàn ông” hoặc “đàn bà” từ khi họ sinh ra.
Ví dụ, trong văn hóa của người Kinh:
Do khuôn mẫu về “đàn ông” là có tính cách mạnh mẽ, lý trí, cứng rắn, và vai trò là trụ cột gia đình, nên từ lúc nhỏ, các bạn nam được khuyến khích chơi các trò chơi mạnh bạo, vận động nhiều, và không nên khóc nhè hay bộc lộ cảm xúc. Các bạn cũng không được dạy nhiều về cách làm việc nhà như nấu ăn, chăm em bé, đi chợ, may vá...
Do đó, khi lớn lên, các bạn thường phát triển thể chất hơn (cao hơn, khỏe hơn nữ), nhưng lại vụng về khi làm việc nhà, do không quen và không được tập làm từ bé. Khi buồn hay tức giận, các bạn cũng ngại chia sẻ, thể hiện cảm xúc hơn, mà có thể chọn rượu bia để giải tỏa, hoặc bạo lực để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, nếu không được nuôi dạy, định hướng theo khuôn mẫu này, thì các bạn nam khi lớn lên hoàn toàn có thể giỏi nấu ăn và chăm sóc con cái, có thể sống tình cảm, chu đáo và dịu dàng.
Tóm lại:
Giới tính: nói về đặc điểm sinh học của con người khi sinh ra. Có giới tính nam, nữ và các giới tính khác.
Giới: nói về các đặc điểm xã hội của con người, hình thành từ việc giáo dục, định hướng của gia đình và xã hội đối với các cá nhân từ lúc sinh ra, theo các vai trò và khuôn mẫu giới khác nhau.