Thư viện

Nội dung : Hành vi Bắt vợ và những biến tướng vi phạm pháp luật

Tải về(1,50 MB) Chia sẻ Thích
Nội dung

Tìm hiểu bản chất của phong tục “Kéo vợ”

  • Hành vi “Bắt vợ” là sự biến tướng của phong tục “kéo vợ” hay còn gọi là “kéo dâu” của dân tộc Mông và một số dân tộc ít người khác. 
  • Phong tục “Kéo vợ” với những giá trị tốt đẹp xuất phát từ việc người con trai và người con gái thích nhau, mong muốn kết hôn nhưng vì những thủ tục cưới hỏi phức tạp, nhà trai phải chuẩn bị sính lễ nhiều và tốn kém. Do vậy, để rút gọn những thủ tục này, tiết kiệm chi phí và để được hai gia đình chấp nhận chuyện hôn nhân thì người con trai sẽ hẹn trước với người con gái ra bãi đất trống hoặc một địa điểm nào đó để “Kéo vợ”. 
  • Những điều kiện bắt buộc của tục lệ “Kéo vợ” là: 
  • Người con trai và người con gái phải yêu nhau thật lòng
  • Tự nguyện tìm hiểu và tự nguyện quyết định chuyện hôn nhân
  • Đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật: nam từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi.

 

Phong tục “Kéo vợ” bị biến tướng thành hành vi “Bắt vợ”

  • Phong tục “Kéo vợ” đã bị thay đổi, biến tướng do không hiểu đúng về phong tục tập quán và lợi dụng phong tục tập quán để thực hiện hành vi trái với đạo đức và vi phạm pháp luật.
  • Nhiều trường hợp, khi không nhận được sự đồng thuận về tình yêu và hôn nhân từ người con gái, người con trai sẽ tổ chức “bắt vợ” để “bắt” người con gái về nhà mình. Thông thường người con trai sẽ rủ thêm một số người khác cùng tham gia “bắt vợ”. Mặc cho người con gái phản đối, giãy giụa, la hét không đồng ý, thì nhóm con trai vẫn ra sức khống chế, ép buộc về nhà con trai.
  • “Bắt vợ” là hành vi bị cộng đồng, xã hội phản đối, bài trừ và là hành vi vi phạm pháp luật. Người tổ chức, tham gia “bắt vợ” có thể bị xử phạt trong các tội dưới đây:
  • Tội tổ chức tảo hôn: Có thể bị phạt tiền lên đến 3 triệu đồng (Quy định tại Khoản 1 điều 58 nghị định số 82/2020/NĐ-CP). Nếu tiếp tục tái phạm có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm (Quy định tại Điều 183 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
  • Tội tảo hôn: Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng nếu vẫn giữ mối quan hệ vợ chồng trái luật với người chưa đủ tuổi kết hôn dù Toà án đã có bản án, quyết định có hiệu lực về việc chấm dứt quan hệ này (Quy định tại Khoản 2 điều 58 nghị định số 82/2020/NĐ-CP)
  • Tội cưỡng ép kết hôn: Có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng (Quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 59 nghị định số 82/2020/NĐ-CP) và phạt tù với mức cao nhất đến 3 năm (Quy định tại Điều 181 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
  • Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật: Có thể bị phạt tù mức cao nhất là 12 năm tù (Quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
  • Thậm chí có thể bị xử lý về Tội hiếp dâm, Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổiTội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và một số tội danh liên quan khác: Có thể bị phạt tù mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc hình thức xử phạt cao nhất tùy thuộc vào tội danh cụ thể. (Quy định tại các điều 141, điều 142, điều 144, điều 145 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khácCó thể bị phạt tù mức cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân (Quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
  • Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Có thể bị phạt tù mức cao nhất là 3 năm (Quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Tùy vào trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Không “Bắt vợ” – phòng chống tảo hôn

Nếu các bạn gái không thích làm vợ bạn trai ấy và khi chưa đủ tuổi, hãy tự bảo vệ mình để không bị “bắt vợ” bằng những cách sau:

  • Khi đi chợ phiên, tham gia lễ hội, đi chơi xuân hoặc những nơi đông người, hãy đi cùng với các bạn khác. Không nên đi một mình vào những dịp lễ Tết này và khi bản thân biết có bạn khác giới đang tán tỉnh mà mình không thích.
  • Nếu biết bạn trai chuẩn bị tổ chức “bắt vợ”, không nên đi một mình ở bất cứ đâu, và báo ngay cho cha mẹ, thầy cô, trưởng thôn/ bản, các cô chú cán bộ ở xã, công an, biên phòng…để họ giúp đỡ mình.
  • Khi bị bắt về nhà bạn trai:
    • Hãy cố gắng giãy giụa, la hét và chạy thoát khi có thể
    • Xin sự giúp đỡ nếu thấy có người xung quanh mình hoặc người qua đường
    • Hãy nói với bạn bè đi cùng về báo ngay cho thầy cô, cha mẹ, cán bộ ở thôn, bản hoặc ở xã, công an, biên phòng để họ giải cứu mình
    • Khi bị nhốt ở nhà bạn trai, nếu có cơ hội hãy bỏ chạy và tìm sự giúp đỡ từ thầy cô, cha mẹ, trưởng bản, công an, biên phòng, cán bộ xã hoặc bất kỳ người nào khác mà bạn cảm thấy tin tưởng.
    • Nếu có hoặc thấy có điện thoại di động, hãy tìm cách gọi điện hoặc nhắn tin cho thầy cô, cha mẹ, trưởng bản, công an, biên phòng, cán bộ xã… để nhờ sự giúp đỡ.
  • Khi nhà bạn trai dẫn về nhà để xin cưới, hãy kiên quyết nói với bố mẹ rằng mình không muốn lấy chồng, mình chưa đủ tuổi kết hôn. Nếu bố mẹ không đồng ý, hãy tìm cách báo với trưởng thôn/ bản, thầy cô giáo, cán bộ xã, công an, biên phòng… để nhờ sự giúp đỡ và thuyết phục cha mẹ.

Với các bạn trai tổ chức “bắt vợ” khi cô gái đó không đồng ý và khi một trong hai người chưa đủ tuổi:

  • Đây là hành vi cưỡng ép kết hôn, bị pháp luật nghiêm cấm, sẽ bị phạt tiền và có thể phải đi tù. Ngoài ra, hành vi “bắt vợ” còn có thể bị xử phạt tiền, xử lý hình sự (đi tù) với những tội danh đã nêu trên.
  • “Bắt vợ” và tổ chức cưới khi chưa đủ tuổi là hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. 
  • Kết hôn khi chưa đủ tuổi hay còn gọi là tảo hôn sẽ gây ra rất nhiều hậu quả về sức khỏe, kinh tế và tương lai của bản thân.
  • Khi bạn gái không đồng ý yêu bạn trai mà vẫn cố tình “bắt” về làm vợ, thì cuộc sống hôn nhân sẽ không hạnh phúc, vợ chồng không hòa thuận.

 

Với những người xung quanh chứng kiến hoặc nhìn thấy cảnh “Bắt vợ”:

  • Không nên im lặng, đứng xem hoặc quay phim, chụp ảnh. Những hành vi này là trái đạo đức, bị xã hội lên án và có thể vi phạm pháp luật nếu chia sẻ thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng xã hội.
  • Hãy lên tiếng can ngăn, giúp đỡ khi em gái đang bị “Bắt vợ”
  • Hãy gọi điện cho cán bộ xã gần nhất hoặc 113 hoặc Tổng đài 111 hoặc nhờ người khác báo với chính quyền địa phương.

Với cha mẹ, chính quyền địa phương, nhà trường:

  • Cha mẹ bạn nam không được đồng thuận với việc “bắt vợ” của con mình. 
  • Cha mẹ em nữ hãy phản đối chuyện hôn nhân cưỡng ép, bảo vệ con gái mình
  • Chính quyền địa phương, nhà trường, cha mẹ cùng đồng hành và tích cực tuyên truyền thường xuyên để xóa bỏ các hành vi “Bắt vợ” và nạn tảo hôn.

Các bạn nam, bạn nữ hãy lên tiếng phản đối, nói KHÔNG nếu việc kết hôn xảy ra trái với ý muốn của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người mà bạn cảm thấy tin tưởng (thầy cô giáo, cán bộ xã, cán bộ thôn bản, công an viên, biên phòng, hội phụ nữ, đoàn thành niên…)

Câu hỏi trả lời nhanh

1. Điều kiện bắt buộc của phong tục “Kéo vợ” là?

2. Hành vi “bắt vợ” có thể bị xử phạt những tội nào?

3. Đâu là cách đẩy lùi tình trạng tảo hôn?

Bình luận
avatar

Sùng thị mỷ 9b

Ý nghĩa

avatar

Thèn Thúy Hiển

Ý nghĩa

avatar

Thèn Thúy Hiển

Rất ý nghĩa

avatar

Thèn Thúy Hiển

Rất bổ ích

avatar

Lù Thị Ngọc

Bài học rất bổ ích.

avatar

Sùng thị mỷ 9b

y nghia

avatar

nungthiyen

hay va bo ich

avatar

Sùng thị mỷ 9b

Ý nghĩa

avatar

Sùng thị mỷ 9b

Ý nghĩa

avatar

sung thi my

Kiến thức bổ ích

avatar

Cháng Thị Dín

Kiến thức bổ ích đây rồi

avatar

Trần Quỳnh Chi

Rất hay

avatar

đỗ thành vương

hay quá! cháu biết được thêm kiến thức bổ ích

avatar

đỗ thành vương

rất hay

avatar

vàng thị tiệu

Không nên kết hôn sớm

avatar

anle

Rất hữu ích

avatar

vàng thị máy

đừng nên kết hôn sớm

avatar

Cháng Văn Giàng

hay

avatar

ly mí lử

Chúng ta phải nhớ không nên kết hôn sớm

avatar

Hồ thị Quý

Hay

avatar

Hồ Văn Xuân

Trất hữa ích