Thư viện

Nội dung : Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống

Tải về(5,00 MB) Chia sẻ Thích
Nội dung
  1. Khái niệm

Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người có quan hệ họ hàng cùng dòng máu trong phạm vi 3 đời trở lại (dòng máu trực hệ).

Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau (Khái niệm này được quy định ở Khoản 17 điều 3 luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba (khái niệm này được quy định ở Khoản 18 điều 3 luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

  1. Một số nguyên nhân chính dẫn đến hôn nhân cận huyết thống
  • Hôn nhân cận huyết thường xảy ra ở những vùng sâu vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn kết hợp với trình độ nhận thức và hiểu biết của người dân còn rất nhiều hạn chế.
  • Người dân không hiểu biết về quy định pháp luật. 
  • Người dân không nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của kết hôn cùng huyết thống ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế của mỗi gia đình như thế nào.
  • Do những tập tục lạc hậu, hủ tục của bản làng, do thói quen bao đời của người dân ở những vùng đó (đời sau học tập của đời trước, các gia tộc, họ hàng học tập của nhau). Kết hợp với tập quán sống bó hẹp trong bản làng nên không có sự giao lưu, trao đổi văn hóa lẫn nhau và không tìm hiểu, kết hôn với những người ngoài dòng tộc.
  • Do quan niệm sai lầm của ông cha rằng: kết hôn như vậy thì vợ chồng sẽ yêu thương, gắn bó, dễ chung sống với nhau hơn. Của cải có được trong gia đình không phải chia cho người lạ ở dòng họ, gia tộc khác, vì vậy tài sản gia đình không bị mất đi, được bảo toàn.

3. Hậu quả của việc kết hôn cận huyết thống

Đối với trẻ em sinh ra trong các cuộc hôn nhân cận huyết thống:

  • Chậm hoặc không phát triển thể chất, suy dinh dưỡng
  • Chậm phát triển trí tuệ, thiểu năng trí tuệ
  • Khuyết tật. Dị tật bẩm sinh, dị dạng, cơ thể không phát triển như người bình thường
  • Sớm bị khiếm thính và suy giảm thị lực
  • Động kinh
  • Các bệnh về máu như bạch tạng, tan máu bẩm sinh (một trong các triệu chứng của tan máu bẩm sinh là thiếu máu), bụng phình to bất thường, da vảy cá…
  • Các bệnh nguy hiểm khác mà khi mắc phải dễ dẫn đến tử vong
  • Tỷ lệ cao mắc các bệnh lý di truyền do bất thường đột biến gen

Đối với gia đình có cặp hôn nhân cập huyết:

  • Ảnh hướng tới kinh tế gia đình (tốn kém chi phí khám chữa bệnh)
  • Người phụ nữ kết hôn cận huyết khi mang thai dễ bị sinh non, thai chết lưu…có thể gây tử vong cả bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh
  • Cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống sẽ suy giảm sức khỏe kể cả trước khi kết hôn 2 người đều rất khỏe mạnh
  • Làm suy thoái chất lượng nòi giống.

Đối với xã hội:

  • Đây là hành vi pháp luật nghiêm cấm, cần tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh để loại bỏ hành vi này ra khỏi xã hội, cộng đồng
  • Ảnh hưởng tới chất lượng dân số, làm giảm chất lượng nguồn nhân lực, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

4. Kết hôn cận huyết thống là hành vi cấm và vi phạm pháp luật

Xử phạt hành chính

Khoản 2 điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”.

Hủy kết hôn cận huyết thống

Kết hôn cận huyết thống là hành vi vi phạm điều kiện kết hôn được quy định tại điểm d khoản 1 điều 8 luật hôn nhân và gia đình 2014.

Theo điều 10 luật hôn nhân và gia đình 2014, cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật (kết hôn cận huyết thống), cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, hủy việc kết hôn cận huyết thống.

Điều 10. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nướvề trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Xử phạt hình sự

Theo Điều 181 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

“Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.

Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội này như sau:

“Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Tùy vào trường hợp cụ thể, các hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự bằng các mức phạt khác nhau.

5. Đẩy lùi hôn nhân cận huyết thống – trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội

  • Mỗi cá nhân, gia đình, dòng tộc cần hiểu rõ về hậu quả vô cùng nghiêm trọng của hôn nhân cận huyết đem lại và đây là hành vi pháp luật nghiêm cấm. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật
  • Cán bộ địa phương cần tích cực tuyên truyền phòng chống hôn nhân cận huyết thống bằng các hình thức đa dạng như tuyên truyền kết hợp với hình ảnh minh họa, video trực quan sinh động để người dân nhận thức rõ ràng, biết được về hậu quả của hôn nhân cận huyết thống
  • Đưa quy định xử phạt các trường hợp kết hôn cận huyết thống vào Quy ước, Hương ước của thôn bản để bà con chấp hành.
  • Bài trừ những phong tục tập quán lạc hậu, các thói quen, quan niệm xấu cần phải loại bỏ
  • Các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm minh bằng quy định pháp luật, bằng quy định Hương ước, Quy ước của thôn bản để tạo tính giáo dục, tính răn đe và để các gia đình khác không học theo.
Câu hỏi trả lời nhanh

1. Hôn nhân cận huyết thống là gì?

2. “Những người cùng dóng máu về trực hệ” là?

3. “Những người có họ trong phạm vi ba đời” là?

4. Một số nguyên nhân chính dẫn đến hôn nhân cận huyết thống là gì?

5. Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống là gì?

6. Hành vi “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời” sẽ bị phạt?

Bình luận
avatar

Sùng thị mỷ 9b

Ý nghĩa

avatar

Thèn Thúy Hiển

Ý nghĩa

avatar

sung thi my

Bổ ích

avatar

Sùng thị mỷ 9b

Ý nghĩa và bổ ích

avatar

Sùng thị mỷ 9b

Rất bổ ích

avatar

ly mí lử

Rất hữu ích cho mọi người và cũng như mình

avatar

Cháng Thị Dín

Rất hữu ích,,,cho ta thêm nhận thức và hiểu rõ sâu hơn

avatar

Cháng Văn Giàng

Ý nghĩa