- Các dân tộc thiểu số Việt Nam được bảo vệ quyền theo Hiến pháp – Bộ luật cao nhất của nước Việt Nam
Theo điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định
“1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”
- Người dân tộc thiểu số được hỗ trợ về bảo hiểm y tế
Theo điểm h khoản 3 điều 12 luật số 46/2014/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế quy định:
“Điều 12: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
h) Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;”
Theo quy định của điều luật này, các trường hợp trên không phải mua bảo hiểm y tế, nhà nước sẽ hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Do vậy, nếu thuộc trường hợp nêu trên sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế (trạm xá, bệnh viện) sẽ không mất chi phí theo quy định của Chính phủ.
Nếu khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, theo quy định điều 22 luật số 46/2014/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế quy định:
“Điều 22: Mức hưởng bảo hiểm y tế
5. Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Lưu ý: Các nội dung chi tiết khác tham khảo tại luật số 46/2014/QH13 và các văn bản pháp luật khác
- Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện về học tập và giáo dục
Theo luật giáo dục năm 2019
Điều 11. Ngôn ngữ, chữ viết dùng trong cơ sở giáo dục
2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu, người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo quy định của Luật Người khuyết tật.
Điều 13. Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân
1. Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
Điều 85. Học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt
1. Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật này và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.
2. Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Điều 87. Chế độ cử tuyển
1. Nhà nước thực hiện tuyển sinh vào trung cấp, cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển đối với học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; có chính sách tạo nguồn cử tuyển, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học.
***Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.
Điều 99. Học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo
4. Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.
Theo nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Điều 15: Đối tượng được miễn học phí
12. Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
15. Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.
***Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số ít người là: Trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ (sau đây gọi là dân tộc thiểu số rất ít người). Tham khảo thêm chính sách tại nghị định số 57/2017/NĐ-CP
Điều 16. Đối tượng được giảm học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí
1. Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm:
c) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
- Các chính sách xã hội hỗ trợ người dân tộc thiểu số
Căn cứ nghị định 20/2021/NĐ-CP:
- Người từ đủ 75 - 80 tuổi thuộc diện hộ cận nghèo mà không thuộc trường hợp trên đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được trợ cấp 360.000 đồng/tháng.
- Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 540.000 đồng/tháng.
- Hộ cận nghèo có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40.000.000 đồng/hộ.
- Còn nếu hộ cận nghèo có nhà bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được hỗ trợ chi phí sửa chữa với mức tối thiểu 20.000.000 đồng/hộ.
- Người khuyết tật nặng hưởng trợ cấp 540.000 đồng/ người, người khuyết tật đặc biệt nặng hưởng trợ cấp 720.000 đồng/ người. Trẻ em khuyết tật nặng hưởng trợ cấp 720.000 đồng/ người.
Lưu ý: Ngoài ra, còn nhiều hỗ trợ khác của địa phương, của Chính phủ. Nếu đủ điều kiện và có thể nhận được các hỗ trợ này, người dân lên các Ủy ban xã để tìm hiểu và được hướng dẫn để làm thủ tục nhận các hỗ trợ.