Câu chuyện về nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục ?
A là một thanh niên làm nghề vận tải đường biển nên A. thường đi đến nhiều nơi và trong những chuyến đi như vậy, A thỉnh thoảng cũng có quan hệ tình dục với bạn tình qua đường hoặc người bán dâm. A cũng có người yêu ở quê nhà và mỗi lần về thăm quê, A và người yêu cũng có quan hệ tình dục. Một lần, sau khi quan hệ với người bán dâm, A bị nhiễm NKLTQĐTD, sau khi về quê, A đã truyền bệnh cho người yêu, và sau những lần lên thành phố, A điều trị khỏi bệnh nhưng khi trở về thăm nhà, A lại lây nhiễm lại sau khi có quan hệ tình dục với người yêu… A rất băn khoăn và thấy có lỗi vì không dám nói thật với người yêu và đưa cô ấy đi khám điều trị… A sợ nói ra sự thật thì người yêu của A sẽ bỏ A. Bạn nghĩ thế nào về tình huống này?
Khái niệm viêm nhiễm đường sinh sản?
Nhiễm khuẩn đường sinh sản (NKĐSS) là một thuật ngữ rộng bao gồm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (NKLTQĐTD) và các nhiễm khuẩn đường sinh sản khác không lây truyền qua đường tình dục.
- Các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (NKLTQĐTD hay còn được gọi là hay còn được cộng đồng gọi là bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh hoa liễu) như nhiễm các mầm bệnh là nấm, vi khuẩn, vi rút có thể lây truyền từ người này sang người khác do quan hệ tình dục không được bảo vệ (không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục) như nhiễm Chlamydia, lậu, trùng roi sinh dục, giang mai, hạ cam, herpes sinh dục, sùi mào gà sinh dục và nhiễm HIV.
- Các nhiễm khuẩn đường sinh sản (NKĐSS, hay còn được gọi là bệnh phụ khoa) là nhiễm khuẩn nội sinh do tăng sinh quá mức các vi sinh vật có trong âm đạo của phụ nữ như viêm âm đạo do vi khuẩn và viêm âm hộ âm đạo do nấm men…
- Các NKĐSS y sinh là các nhiễm khuẩn do thủ thuật y tế không đảm bảo vô khuẩn gây ra
Các biểu hiện phổ biến của NKĐSS - NKLTQĐTD?
- Loét sinh dục: có thể thấy trong các bệnh giang mai, hạ cam, herpes (mụn rộp sinh dục…)
- Tiết dịch âm đạo, niệu đạo: gặp trong các trường hợp viêm nhiễm nấm men, viêm âm đạo do vi khuẩn, trùng roi âm đạo, lậu…
- Mụn, sùi ở bộ phận sinh dục như trong trường hợp sùi mào gà sinh dục, có các mụn sùi ở bộ phận sinh dục
- Sốt: trong các trường hợp nhiễm cấp tính có thể có sốt tuy nhiên, với phần lớn các NKĐSS và NKLTQĐTD không có biểu hiện sốt một cách rõ ràng
- Đau rát ở bộ phận sinh dục
- Nổi hạch ở vùng bẹn
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, nhiều trường hợp NKĐSS và NKLTQĐTD nhưng không có biểu hiện gì rõ ràng, nên cần đi khám khi có hành vi nguy cơ (quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su), có nhiều bạn tình… hoặc có nghi ngờ bị nhiễm bệnh.
Hậu quả của NKĐSS – NKLTQĐTD?
- Sẩy thai: các NKĐSS, và đặc biệt là NKLTQĐTD rất có thể gây ra tình trạng sẩy thai hoặc gây bệnh cho thai nhi như bệnh lậu, bệnh giang mai hoặc HIV.
- Vô sinh do viêm nhiễm đường sinh sản sau NKĐSS và đặc biệt là NKLTQĐTD (Chlamydia) do viêm nhiễm làm tổn thương, viêm dính vòi trứng và nội mạc tử cung dẫn đến khó thụ thai hoặc trứng sau khi thụ thai khó làm tổ trong buồng tử cung. Ngoài ra, tình trạng viêm tắc vòi
- trứng còn có thể gây ra tình trạng chửa ngoài tử cung có nguy cơ chửa ngoài tử cung vỡ gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.
- Lây nhiễm NKLTQĐTD từ người tình do không điều trị triệt để cả với hai người, lây truyền bệnh cho con
- Có nguy cơ tử vong, đặc biệt khi nhiễm HIV
- Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử do NKLTQĐTD (đặc biệt là HIV)
Cách phòng tránh NKĐSS – NKLTQĐTD?
Để phòng tránh NKĐSS – NKLTQĐTD các cán bộ y tế và vị thành niên cần:
- Nâng cao nhận thức về NKĐSS – NKLTQĐTD và hậu quả của chúng là vô sinh, sẩy thai, tử vong của sản phụ và HIV/AIDS
- Phổ biến cho phụ nữ các việc đơn giản họ có thể làm để phòng ngừa các NKĐSS nội sinh bao gồm các biện pháp vệ sinh sinh dục, vệ sinh kinh nguyệt
- Tư vấn về phòng ngừa NKĐSS – NKLTQĐTD và hỏi về các triệu chứng NKĐSS – NKLTQĐTD mỗi lần khám về kế hoạch hóa gia đình hoặc khám thai
- Giáo dục cho mọi khách hàng về phòng ngừa NKĐSS –
- NKLTQĐTD. Đặc biệt, khuyến khích và hướng dẫn sử dụng BCS để phòng ngừa NKĐSS NKLTQĐTD và tránh thai.
- Giáo dục người bệnh mắc NKĐSS – NKLTQĐTD để họ tuân thủ điều trị và khuyên bạn tình đi điều trị vì như câu chuyện ở trên, khi cả hai người bạn tình không được tư vấn và điều trị triệt để thì mầm bệnh tiếp tục được lây truyền sang người còn lại và quá trình mắc bệnh không thể chấm dứt được.