Heroin là gì?
- Là chế phẩm của morphin – một loại chất giảm đau mạnh, được chiết xuất từ thuốc phiện. Heroin tồn tại dưới dạng bột trắng hoặc hạt màu trắng, màu be hoặc hồng, mùi rất chua, có thể sử dụng bằng cả đường tiêm tĩnh mạch, hút và hít.
- Heroin được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như hê, bạch phiến, hàng trắng, nàng tiên trắng,...
Tác động tức thời khi sử dụng Heroin
- Các biểu hiện dễ dàng nhận thấy ngay sau khi sử dụng gồm cảm giác người nóng lên, mạnh hơn đầu ngón tay và đầu ngón chân; ngứa ngáy ở mặt (chủ yếu ở mũi); đỏ bừng mặt. Một số người sử dụng lần đầu có thể buồn nôn và nôn.
- Về mặt cơ thể, trong một vài giờ đầu sau khi dùng, người sử dụng sẽ buồn ngủ, đồng tử co nhỏ, thở chậm lại, huyết áp, nhịp tim và thân nhiệt đều giảm.
- Về mặt tâm thần, người sử dụng sẽ có cảm giác giảm đau, lơ mơ, ngây ngất như tách biệt khỏi thế giới thực.
- Tuy nhiên, khi lượng heroin trong cơ thể giảm đi, người dùng sẽ có thôi thúc mãnh liệt tiếp tục sử dụng và bắt buộc tăng liều để đạt được khoái cảm như trước.
Sử dụng Heroin trong một thời gian dài sẽ có nguy cơ gì?
- Về sức khỏe, người sử dụng Heroin chán ăn dẫn đến gầy sút, mắc các bệnh da liễu do lười vệ sinh thân thể hoăc các bệnh nhiễm khuẩn do tiêm chích không vô trùng. Đặc biệt, hành vi dùng chung bơm kim tiêm và quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su) có thể làm lây truyền HIV, viêm gan B, C. Ngoài ra, việc sử dụng heroin thường xuyên có thể gây ra rối loạn chức năng tình dục như giảm ham muốn ở nam giới và rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.
- Bên cạnh sức khỏe, các khía cạnh công việc, kinh tế, xã hội và gia đình của người sử dụng heroin cũng bị ảnh hưởng.
Nghiện Heroin có điều trị được không?
Câu trả lời là có.
- Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều phương pháp điều trị tùy thuộc vào hoàn cảnh của người sử dụng và điều kiện của cơ sở điều trị. Để người nghiện có thể hồi phục, tái hòa nhập cộng đồng cần điều trị toàn diện về sinh học, tâm lý, xã hội và có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, gia đình, cộng đồng.
- Người nghiện có thể lựa chọn cắt cơn theo phác đồ tại các cơ sở y tế, bằng châm cứu hay liệu pháp tâm lý. Nhưng cắt cơn chỉ là bước khởi đầu, điều quan trọng là phòng chống tái nghiện. Bên cạnh chiến lược phòng chống tái nghiện như giảm cung, giảm cầu thì giảm hại là một biện pháp hữu hiệu trong việc giảm thiểu các tác hại cho người sử dụng chất. Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone là một trong các biện pháp giảm hại đó.
Phải làm gì khi gặp một người sốc thuốc do quá liều heroin?
Naloxon là chất được sử dụng để điều trị ngộ độc hay quá liều heroin. Tại Việt Nam, naloxon chưa được sử dụng rộng rãi như là một biện pháp sơ cứu ngoài cộng đồng. Vì vậy, trước khi nhờ đến sự trợ giúp, bạn hãy chắc chắn một người bị quá liều heroin qua những đặc điểm sau:
- Xung quanh có dụng cụ tiêm chích, vỏ thuốc,....
- Không phản ứng lại các tác động bên ngoài (lay, gọi không trả lời,...)
- Môi và móng tay, chân xanh đen, tím tái
- Chảy nước dãi, ra mồ hôi, chân tay
- Nhịp thở rất chậm, thở nông hoặc không thở
Khi bạn đã chắc chắn một người bị quá liều heroin, hãy gọi 115 và/hoặc gọi cho các nhóm/ tổ chức dựa vào cộng đồng để nhờ sự trợ giúp.
Một số điều bạn không nên làm khi nhận biết một người bị sốc thuốc:
- Đừng tiêm cho họ bất kì một chất gì (nước cất, nước muối,....) ngoài Naloxon.
- Đừng thực hiện ép tim – thổi ngạt (đặc biệt với việc ép tim) trừ phi bạn biết cách.
- Đừng xối nước lạnh vào họ bởi vì có khả năng khiến họ bị sốc và ngạt.