Rượu là gì?
- Theo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia số 44/2019/QH14, rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.
- Ở Việt Nam tình trạng lạm dụng rượu rất phổ biến, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu vùng xa, có nhiều lý do như phong tục tập quán, văn hóa dân tộc, vùng miền.
Rượu tác động lên sức khỏe như thế nào?
- Thần kinh trung ương: rượu ức chế thần kinh trung ương. Tác động của rượu lên thần kinh trung ương phụ thuộc vào nồng độ rượu trong máu. Ở nồng độ thấp, rượu có tác dụng an thần, làm giảm lo âu. Ở nồng độ cao hơn, rượu gây rối loạn tâm thần, mất điều hòa, không tự chủ được hành động và có thể bị hôn mê, ức chế hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng khi nồng độ rượu trong máu quá cao.
- Tim mạch: Uống nhiều rượu trong một thời gian dài hoặc uống quá nhiều trong một lần có thể gây hại cho tim, một số vấn đề có thể gặp như: giãn cơ tim, phì đại tâm thất xơ hóa, đột quỵ, huyết áp cao.
- Gan: Những người sử dụng rượu trong một thời gian dài, gan dễ bị viêm, nhiễm mỡ gan, xơ gan.
- Dạ dày: rượu nhẹ (dưới 10o ) làm tăng tiết dịch vị, tăng khả năng hấp thu thức ăn nên khi dùng điều độ có thể tăng thể trọng. Ngược lại, rượu mạnh (40o) gây viêm niêm mạc dạ dày, nôn, co thắt hạ vị.
- Ung thư: Khả năng bị ung thư miệng, thực quản, thanh quản và gan ở người nghiện rượu cao hơn người bình thường.
- Hệ thống miễn dịch: Uống quá nhiều có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Những người nghiện rượu mãn tính có nguy cơ mắc các bệnh như viêm phổi và bệnh lao hơn những người khác.
Uống rượu có thể gây nghiện không?
Câu trả lời là có.
- Rượu, giống như các loại ma túy khác, có tác động mạnh mẽ đến não bộ, tạo ra cảm giác sảng khoái và loại bỏ cảm giác tiêu cực. Những cảm giác này có thể thúc đẩy một số người uống rượu nhiều lần, bất chấp những rủi ro có thể xảy ra đối với sức khỏe và tinh thần của họ.
- Để chẩn đoán một người nghiện rượu có rất nhiều tiêu chuẩn, theo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia số 44/2019/QH14, nghiện rượu là tình trạng lệ thuộc vào rượu với biểu hiện đặc trưng như thường xuyên thèm uống, lượng uống có thể tăng theo thời gian, không thể tự kiểm soát lượng uống hay ngừng uống.
Quá liều rượu là gì?
Quá liều hay ngộ độc rượu xảy ra khi có quá nhiều rượu trong máu đến mức các vùng não kiểm soát các chức năng hỗ trợ sinh tồn cơ bản như hô hấp, nhịp tim và điều hòa thân nhiệt bắt đầu ngừng hoạt động. Các triệu chứng của quá liều rượu có thể gặp:
- Rối loạn tâm thần, ngơ ngẩn
- Khó duy trì ý thức hoặc không có khả năng thức dậy
- Nôn mửa
- Co giật
- Thở chậm (ít hơn 8 nhịp thở mỗi phút)
- Thở không đều (10 giây trở lên giữa các nhịp thở)
- Nhịp tim chậm
- Da lạnh và ẩm ướt
- Phản xạ kém, ví dụ: không có phản xạ hầu họng (giúp tránh ngạt thở)
- Nhiệt độ cơ thể rất thấp, da xanh hoăc tái nhợt
- Uống rượu và dùng các chất dạng thuốc phiện hoặc thuốc an thần, chẳng hạn như thuốc ngủ và chống trầm cảm, có thể làm tăng nguy cơ quá liều. Uống rượu cùng với heroin cũng là một sự kết hợp rất nguy hiểm. Giống như rượu, heroin ức chế hô hấp nên khi dùng chung hai chất này có thể gây suy hô hấp và nguy cơ tử vong
Biện pháp xử trí đối với người ngộ độc rượu
- Kê gối cho họ nằm, đầu và vai cao hơn
- Nếu ứ đọng đờm rãi, thở khò khè, bất tỉnh cho họ nằm nghiêng sang một bên
- Ủ ấm nếu thời tiết lạnh
- Có thể cho uống nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi... để giúp giải độc rượu dạng nhẹ
- Không để họ một mình vì người đó có nguy cơ bị thương do ngã hoặc ngạt thở. Giữ người đó trên mặt đất ở tư thế ngồi hoặc tư thế thẳng lưng một phần thay vì đặt trên ghế.
- Nếu một người bất tỉnh hoặc đang nằm, hãy lăn người đó sang tư thế nằm nghiêng, một tai hướng xuống đất để tránh bị ngạt thở
- Nếu họ không tỉnh, ứ đọng đờm rãi nhiều, lay gọi không tỉnh, thở nhanh, thậm chí có co giật... Hoặc nếu họ tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, giảm hoặc mất thị lực, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái... thì vẫn giữ ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ hoặc xe cấp cứu vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời
Một số biện pháp giảm hại khi sử dụng rượu
- Ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau uống, đặc biệt các thức ăn từ tinh bột (cơm, bún, mỳ,...), hoặc thức ăn có nhiều đường
- Giữ ấm, tránh lạnh nếu trời lạnh (rượu gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt)
- Không lái xe, vận hành máy móc, lao động đặc biệt có nguy cơ với sức khỏe
- Chọn mua loại rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cả về người bán và người sản xuất, để tránh trường hợp uống phải rượu giả, rượu có chứa cồn công nghiệp