Internet và mạng xã hội có rất nhiều điều bổ ích và lý thú. Nó giúp bạn học tập, tìm hiểu thông tin kiến thức; giải trí (xem phim, nghe nhạc, chơi game…); nhắn tin, gọi điện cho bạn bè, người thân; kết bạn giao lưu với mọi người hoặc bạn còn có thể mua bán hàng hóa trên shopee, facebook… hay thực hiện các giao dịch, dịch vụ ngân hàng chuyển tiền trên mạng mà không cần phải di chuyển ra ngân hàng hoặc cây rút tiền.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà internet và mạng xã hội đem lại thì nó cũng là một nơi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro dẫn đến bị lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân, bị trêu trọc, bắt nạt, quấy rối, xâm hại tình dục, dụ dỗ và bắt cóc... Một trong những rủi ro phải nhắc đến khi tham gia môi trường trên internet và mạng xã hội mà bạn có thể gặp phải là rủi ro về mua bán người.
I. Những thủ đoạn kẻ mua bán người có thể thực hiện trên internet, mạng xã hội:
- Giả vờ kết bạn, làm quen để tiếp cận, làm thân trên mạng, qua các kênh mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok, instagram rồi thực hiện hành vi mua bán người.
- Đối tượng xấu có thể lấy cắp thông tin cá nhân của bạn như địa chỉ nhà hoặc trường học, hình ảnh, số điện thoại, họ và tên…ở trên mạng xã hội để tìm cách tiếp cận ở ngoài đời. Họ có thể giả làm bạn bè của bố mẹ, giả làm họ hàng xa rồi rủ đi chơi, rủ lên xe họ chở về nhà rồi bắt cóc, cho uống thuốc ngủ, thuốc mê để bán.
- Lừa đảo yêu đương trên mạng: Đối tượng xấu có thể kết bạn làm quen, tạo sự tin tưởng, luôn tỏ ra yêu thương, chăm sóc ân cần rồi tỏ tình, giả làm bạn trai/bạn gái quen trên mạng rồi hẹn gặp ở ngoài đời hoặc hứa giới thiệu việc làm tốt hoặc rủ đi chơi, đi du lịch ở trong nước, đi du lịch bên nước ngoài.
- Giả vờ tuyển lao động, giới thiệu việc làm: Đối tượng xấu có thể vờ là người tuyển dụng việc làm ở trên mạng hoặc người môi giới giới thiệu việc làm trên mạng, tại những trang website, trang hoặc các hội nhóm trên mạng xã hội. Thủ đoạn họ thường sử dụng là họ rất nhiệt tình tư vấn, hứa hẹn về những công việc nhàn hạ, lương cao mà công việc đó có thể ở trong nước hoặc ở bên nước ngoài. Nếu là công việc ở nước ngoài, họ thường sẽ đưa ra những ưu đãi, mức lương rất cao, số tiền chênh lệch với thu nhập ở trong nước rất lớn.
- Giả vờ thông cảm, sẵn sàng giúp đỡ bạn: Đối tượng xấu có thể tỏ ra rất cảm thương với hoàn cảnh của bạn, cho bạn và gia đình vay tiền hay tạm ứng trước 1 khoản tiền lương để tạo lòng tin, cho bạn hoặc gia đình bạn những đồ vật giá trị. Họ có thể làm giả hồ sơ để đưa bạn ra nước ngoài làm việc trái phép và nói dối để bạn ký tên và để gia đình bạn tin tưởng.
- Dụ dỗ bạn tham gia vào đường dây mang thai hộ với những khoản thù lao vô cùng lớn. Chúng có thể trực tiếp hoặc thông qua môi giới trên mạng tiếp cận, lôi kéo những bạn nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu thốn và có nhận thức hạn chế, những phụ nữ có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, những phụ nữ, bạn gái ăn chơi, đua đòi muốn có nhiều tiền.
- Dụ dỗ bạn làm con nuôi người khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Họ hứa hẹn sau khi làm con nuôi gia đình mới sẽ có cuộc sống hạnh phúc, giàu có hơn.
- Lừa đảo để mua nội tạng hoặc bộ phận cơ thể để bán lại cho người khác với giá cao hơn.
- Lừa đảo để rồi uy hiếp, bắt làm theo ý muốn của họ để thực hiện những hành vi trái pháp luật.
- Lôi kéo tham gia vào những đường dây mua bán người: Chính bản thân bạn có thể bị đối tượng xấu lôi kéotrên mạng với những lời hứa hẹn về thu nhập thật sự hấp dẫn.
Trên đây chỉ là một số thủ đoạn mà đối tượng mua bán người thường sử dụng để thực hiện hành vi mua bán người trên Internet, mạng xã hội. Không thể liệt kê và biết được hết các thủ đoạn vì chúng sẽ liên tục thay đổi bằng những thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Vậy nên mỗi người trong chúng ta hãy chuẩn bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể tự tin phòng tránh hết tất cả những rủi ro, nguy cơ về mua bán người mà mình có thể gặp phải và có thể ứng phó, thoát hiểm trong những tình huống nguy hiểm.
II. Một số cách để phòng tránh nguy cơ mua bán người mà bạn có thể gặp phải trên internet và mạng xã hội.
- Không gặp gỡ trực tiếp với người lạ mà bạn quen trên mạng
- Không đi chơi xa, đi du lịch với bạn quen trên mạng, thậm chí là người yêu khi mà bạn chưa thực sự biết rõ hết về họ. Nếu gặp bạn bè quen trên mạng, hãy rủ bạn khác đi cùng, đến những nơi công cộng có đông người qua lại, thông báo với người thân về thời gian và địa điểm của cuộc gặp gỡ đó, mang theo điện thoại để có thể liên lạc được với bạn bè, người thân trong tình huống cần thiết.
- Không nhận tiền, quà, đồ vật giá trị từ người lạ
- Không vay tiền của người lạ, của người tuyển dụng hoặc môi giới tuyển dụng việc làm. Chỉ vay hoặc nhận tiền khi bạn biết rõ thông tin của họ và đảm bảo việc vay tiền của họ là an toàn.
- Cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, người tuyển dụng hoặc môi giới tuyển dụng việc làm trên mạng. Hãy thông báo với cán bộ địa phương để xác minh giúp.
- Cảnh giác với những lời dụ dỗ về công việc, lời dụ dỗ ngọt ngào về cuộc sống, về tình yêu, hạnh phúc
- Khi bị quấy rối, bắt nạt, đe doạ và các hành vi khác khiến bạn cảm thấy không an toàn hãy chụp màn hình làm bằng chứng (Lưu ý: khi chụp hình, phải lấy cả hình đại điện và tên tài khoản của kẻ xấu đó). Sau đó, ngay lập tức bấm Chặn (Block) và chọn Báo cáo tài khoản (nếu là Facebook, Tiktok) hoặc Báo xấu (nếu là Zalo) tài khoản đó, gửi kèm ảnh chụp màn hình làm bằng chứng. Đối với các bài viết đăng thông tin sai sự thật, phát tán ảnh riêng tư, xúc phạm mình: hãy bỏ gắn thẻ (gỡ tag), sau đó Báo cáo bài viết và Báo cáo tài khoản đó.
- Khi bạn cảm thấy không an toàn, hãy thông báo với người thân, thầy cô giáo, cán bộ xã, thôn/ bản hoặc gọi điện báo cáo với số công an 113 hoặc đường dây bảo vệ trẻ em 111
- Hãy tham gia nền tảng Em Vui để tìm hiểu thông tin kiến thức về an toàn mạng và các kiến thức khác để phòng tránh nạn tảo hôn và phòng chống mua bán người.