Thư viện

Nội dung : Những thủ đoạn của đối tượng mua bán người (tiếp)

Tải về(8,00 MB) Chia sẻ Thích
Nội dung

1. Lợi dụng việc cho nhận con nuôi: Gia đình nhà ông V là người đồng bào dân tộc và có 5 người con gái. Vì muốn có thêm con trai, nên ông V bắt vợ mình đẻ bao giờ được con trai thì mới thôi. Nhà đã nghèo nay đông con lại càng khó khăn hơn. Cả gia đình 7 người nhà ông V chỉ sống bằng nương ngô, nương sắn, năm nào thời tiết khắc nghiệt thì thiếu ăn. Biết hoàn cảnh nhà ông V như vậy, một người hàng xóm đến nói với ông V rằng có một người trên thành phố rất giàu, nhưng không có con và muốn tìm con nuôi. Gia đình nhận con nuôi hứa sẽ chăm sóc con ông V với những điều kiện tốt nhất và sẽ cho ông V một khoản tiền lớn là một trăm triệu đồng để ông V lo cho cuộc sống gia đình. Người hàng xóm hứa sẽ đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho con ông V. Ông V đồng ý ngay mặc cho vợ và các con của ông phản đối. Ông V quyết định cho một đứa con gái.

Chỉ một tuần sau, công an đã triệt phá một đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em gái. Trong số các nạn nhân được phát hiện có cả con gái của ông V. Đối tượng mua bán người đang tập kết để chuẩn bị đưa những nạn nhân mua bán người này ra nước ngoài với nhiều mục đích vô nhân đạo khác nhau.

Bài học qua câu chuyện này là:

  • Đối tượng mua bán người có thể lợi dung việc cho nhận con nuôi để buôn bán trẻ em
  • Đối tượng mua bán người thường tìm đến những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế, vùng sâu vùng xa, những gia đình đông con và có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, những gia đình cần tiền…
  • Họ có thể trực tiếp đến gia đình thuyết phục hoặc nhờ người môi giới trung gian. Người môi giới thường có quan hệ thân thích với gia đình, hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình
  • Họ sẽ hứa hẹn chăm sóc tốt cho con nhận nuôi, thậm chí cho gia đình một khoản tiền lớn
  • Đối tượng có thể làm giả các giấy tờ về việc cho nhận con nuôi một cách hợp pháp, dụ dỗ để bắt gia đình ký tên để đảm bảo việc này đúng theo quy định pháp luật.
  • Cẩn thận với những lời dụ dỗ trực tiếp hoặc gián tiếp qua các hội nhóm về cho nhận con nuôi trên mạng xã hội vì đối tượng có thể tiếp cận cả ở trên mạng xã hội đó.
  • Vậy, hãy thận trọng với những lời mời cho nhận con nuôi với những lời hứa hẹn tốt đẹp. Hãy báo với chính quyền địa phương xác minh để làm rõ những trường hợp này.

2. Lợi dụng hành vi “bắt vợ” để mua bán người: Trong bản người Mông ở huyện X có T là một thanh niên chơi bời và có nhiều mối quan hệ phức tạp. T thường xuyên qua biên giới chơi. T nhiều lần tán tỉnh M, rủ M đi chơi nhưng M không đồng ý. Một lần đi chợ phiên, M bị T và một nhóm thanh niên do T thuê để “bắt vợ” bắt. T đã gọi điện cho đầu mối phía bên kia biên giới để bán M với giá 50 triệu đồng cho một nhà chứa ở bên đó.

Bài học qua câu chuyện này là:

  • Với các bạn gái dân tộc Mông hay một số đồng bào dân tộc ít người khác có tập quán bắt vợ thì khi biết có người thích mình, mà mình không thích lại thì không nên đi chợ phiên hoặc đi chơi hay đi trên đường một mình, đặc biệt là những nơi ít người qua lại.
  • Khi bị “bắt vợ” hãy la hét thật lớn để cầu xin sự giúp đỡ của người xung quanh 
  • Đối tượng mua bán người có thể lợi dụng hành vi “bắt vợ” để bắt cóc nạn nhân nhằm thực hiện hành vi mua bán người
  • Khi chứng kiến các hành vi “bắt vợ” mọi người xung quanh hãy lên tiếng, hành động để bảo vệ em gái đó. Báo cáo ngay với công an, chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn và giải cứu em gái bị bắt vợ đó.

3. Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, tình thế dễ bị tổn thương rồi dụ dỗ để mua bán người: B và chồng cô kết hôn khi B mới 15 tuổi và chồng cô mới 17 tuổi. Vì kết hôn sớm nên cuộc sống của B vô cùng khó khăn và thiếu thốn. B sinh con năm 16 tuổi. Gia đình thường xuyên thiếu ăn thiếu mặc, khi con B ốm cô cũng không có tiền mua thuốc cho con. Chồng B là một người không biết lo toan để xây dựng cuộc sống gia đình, thường xuyên rượu chè, chơi bời nên B vô cùng chán nản. Một người họ hàng xa của B thấy được hoàn cảnh của B nên đến gặp B. Bà ta tỏ ra rất thương cảm với hoàn cảnh của B và khuyên B nên thoát ra khỏi cuộc sống nghèo khổ này. Bà ta dụ dỗ B bỏ chồng, để lấy chồng nước ngoài. Vì tin vào những lời hứa hẹn của bà ta rằng B sẽ có cuộc sống giàu sang và có nhiều tiền gửi về quê để nuôi con nhỏ. B đồng ý và được bà ta đưa sang nước ngoài một cách trái phép. Nhưng không ngờ rằng B bị bán để làm vợ một người đàn ông nước ngoài già và bệnh tật.

Bài học qua câu chuyện này là:

  • Những kẻ mua bán người thường tiếp cận những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chán chồng và muốn thay đổi cuộc sống hoặc tiếp cận những người ăn chơi, đua đòi, muốn có tiền, muốn có cuộc sống giàu sang.
  • Những kẻ mua bán người thường là người biết về hoàn cảnh của nạn nhân, họ tiếp cận, thể hiện sự đồng cảm, nắm bắt đúng những điểm yếu, sự tổn thương của nạn nhân để tiếp cận dụ dỗ vào các đường dây như môi giới lấy chồng nước ngoài, mang thai hộ…
  • Những kẻ mua bán người thường tiếp cận trực tiếp, qua môi giới hoặc qua các kênh trên mạng xã hội
  • Hãy thận trọng với những lời mời, dụ dỗ, hứa hẹn về những điều tốt đẹp. Hãy xác minh kỹ thông tin trước khi quyết định đi xa nhà hay gặp gỡ với người lạ.
  • Ngoài ra, đối tượng mua bán người có thể lợi dụng việc nạn nhân đang say rượu bia để bắt cóc, lợi dụng tình thế dễ bị tổn thương, quẫn bách của nạn nhân như nhà nạn nhân có người ốm cần tiền chữa trị ngay hay nợ nần cần tiền trả nợ để dụ dỗ, lừa đảo.

4. Bắt cóc để bán lấy nội tạng: Bố mẹ của A thường xuyên lên nương rẫy làm việc từ sáng sớm. Tan học, A hay đi chơi lang thang ở trên đường một mình. Hôm đó, đường vắng vẻ, A đi một mình thì bị hai người đàn ông bịt miệng, bế lên xe và chở đi mất. A bị đưa đến nơi tập kết của đường dây mua bán người, chuyên lấy nội tạng để bán. May mắn, A và các nạn nhân khác được công an giải cứu kịp thời trước khi hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra.

Bài học qua câu chuyện này là:

  • Không nên đi một mình ở những nơi vắng vẻ. Với những chỗ vắng vẻ như vậy, hay đi chung với nhiều bạn bè khác
  • Khi bị bắt cóc hãy la hét thật lớn và nhờ sự giúp đỡ
  • Khi bị nhốt cùng với nạn nhân khác hãy bàn bạc cẩn thận với họ để tìm cách chạy thoát
  • Quan sát kỹ xung quanh và cả đối tượng mua bán người để tìm những sơ hở của họ 

5. Rủi ro mua bán người từ việc thăm người thân, họ hàng bên kia biên giới, xuất nhập cảnh trái phép: C là người đồng bào dân tộc, sinh sống tại vùng giáp biên giới. C có rất nhiều họ hàng là người cùng đồng bào dân tộc với mình nhưng hiện nay sinh sống ở bên kia biên giới. C là dân bản địa nên thông thuộc mọi đường mòn lối mở và thường xuyên qua thăm họ hàng. Một hôm, C sang bên đó để tham gia lễ hội. Trong lễ hội, C được một vài thanh niên khác làm quen và rủ đi chơi. C đồng ý và C đã bị nhóm đối tượng đó bán cho một nhà xưởng ở bên nước đó. Tại đây, C bị bắt ép làm việc nặng nhọc và bị đối xử vô cùng tồi tệ. 

Bài học qua câu chuyện này là:

  • Không được vượt biên trái phép, đây là hành vi vi phạm pháp luật
  • Vượt biên trái phép tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về mua bán người
  • Hãy cẩn trọng với những người lạ, đặc biệt khi mà họ cho tiền, rủ đi chơi hay làm quen khi mình chưa biết rõ thông tin về họ
  • Không đi chơi với người lạ, người mới quen một mình. Người lạ mặt có thể gặp ở ngoài đời hoặc quen qua mạng xã hội.

6. Lợi dụng việc mang thai hộ để mua bán người: X là người phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn và trình độ nhận thức rất hạn chế. X lên mạng xã hội và được một người phụ nữ trên mạng tiếp cận, làm quen và chỉ cách có thể kiếm rất nhiều tiền. Người phụ nữ đó nói X hãy mang thai hộ cho một gia đình giàu có nhưng không sinh được con trai. Khi X đẻ con xong, họ sẽ nuôi đứa bé đó và X được nhận một số tiền là 500 triệu đồng. X đồng ý và được họ sắp đặt chỗ ăn ở trong suốt thời gian mang thai. Nhưng khi X đẻ con xong, họ bế đứa con đi và bán luôn cả X ra nước ngoài.

Bài học qua câu chuyện này là:

  • Đây không phải là hành vi mang thai hộ hợp pháp. Hãy tìm hiểu quy định pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
  • Hành vi trong câu chuyện này là hành vi mua bán người. Trong đó có đối tượng mua bán người là đường dây của người phụ nữ kia chuyên môi giới mang thai hộ 
  • X vừa là nạn nhân vừa là đối tượng mua bán người (bán con)
  • Không được phép thực hiện các hành vi mang thai hộ trái pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và hành vi này chứa nhiều tiềm ẩn rủi ro về mua bán người 
  • Các đối tượng mua bán người thường nhắm tới những phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phụ nữ có thai ngoài ý muốn, hay không có khả năng nuôi con, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phụ nữ có trình độ nhận thức hạn chế, phụ nữ cần tiền để tiêu…
  • Ngoài ra, họ thường dụ dỗ tiếp cận đến những người phụ nữ có trình độ nhận thức hạn chế, ở vùng sâu vùng xa và tiếp cận bằng điện thoại, mạng xã hội hoặc thông qua môi giới. Người môi giới có thể là người quen, họ hàng xa, hàng xóm, bạn bè của nạn nhân.

Chúng ta không thể đoán và biết trước hết được các thủ đoạn của kẻ mua bán người. Đối tượng mua bán người sẽ thay đổi liên tục các thủ đoạn và sử dụng các thủ đoạn tinh vi hơn cả ở ngoài đời và trên không gian mạng. Vì vậy, mỗi chúng ta cần phải nâng cao cảnh giác, chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức và kỹ năng để không trở thành nạn nhân của mua bán người.

Câu hỏi trả lời nhanh

1. Thủ đoạn của đối tượng mua bán người từ việc cho nhận con nuôi là gì?

2. Hành vi “bắt vợ” ở một số dân tộc ít người có thể dẫn đến rủi ro về mua bán người không?

3. Thủ đoạn của đối tượng mua bán người thường sử dụng khi tiếp cận với những người có hoàn cảnh khó khăn hay có tình thế dễ bị tổn thương là gì?

4. Việc nào KHÔNG NÊN làm khi phòng chống mua bán người?

5. Đối tượng mua bán người có thể lợi dụng việc/ yếu tố gì để thực hiện hành vi mua bán người?

6. Tính chất thủ đoạn của đối tượng mua bán người là gì?

Bình luận
avatar

Cháng Thị Dín

Rất hay và hữu ích 🥰

avatar

Cháng Văn Giàng

Hay

avatar

Cháng Văn Giàng

Hay

avatar

ly mí lử

Rất hay