- Thế nào là mua bán người?
Theo Điều 150 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mua bán người là việc thực hiện một hoặc các hành vi sau đây:
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này”
Theo quy định pháp luật nếu thực hiện các hành vi nêu trên sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Nếu thêm các tình tiết tăng nặng khác, người phạm tội có thể bị phạt cao nhất là 20 năm tù và tịch thu toàn bộ tài sản.
- Thế nào là mua bán trẻ em (là người chưa đủ 16 tuổi)
Theo Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mua bán trẻ em (người chưa đủ 16 tuổi) là việc ai đó thực hiện một hoặc các hành vi sau đây:
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
Bộ Luật Hình sự 2015 quy định tại điều 151 những người nào vi phạm một trong những hành vi nêu trên sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm. Nếu thêm các tình tiết tăng nặng khác, người phạm tội có thể bị phạt tù mức cao nhất là chung thân và tịch thu toàn bộ tài sản.
Giải thích từ ngữ sử dụng trong điều 150 và điều 151 này:
“Dùng vũ lực”: dùng sức mạnh tấn công người khác, làm tổn hại sức khỏe, tính mạng (như đấm, đá, đâm, chém,...);
“Đe dọa dùng vũ lực”: làm cho nạn nhân tin là nếu không làm theo sẽ bị dùng vũ lực, khiến nạn nhân phải sợ hãi làm theo;
“Thủ đoạn khác”: như bắt cóc, cho uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, rượu, bia, hoặc các chất kích thích khác, làm nạn nhân mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, đầu độc, lợi dụng việc môi giới hôn nhân, môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài, lợi dụng tình thế lệ thuộc, dễ bị tổn thương (Ví dụ: nạn nhân có người nhà bị bệnh cần tiền chữa trị)
“Bóc lột tình dục”: đưa nạn nhân đến các cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân làm sản phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, làm nô lệ tình dục…
“Cưỡng bức lao động”: ép buộc nạn nhân lao động trái với ý muốn. Nạn nhân thường bị bắt làm việc quá sức, làm việc trong môi trường tồi tệ, nguy hiểm, không được trả lương hoặc lương rất thấp, thường bị đánh đập, bóc lột...
“Vì mục đích vô nhân đạo”: sử dụng người làm vật thí nghiệm, buộc nạn nhân phải đi ăn xin, hoặc sử dụng nạn nhân vào mục đích tàn ác khác.
- Luật phòng, chống mua bán người năm 2011:
Nghiêm cấm:
- Mua bán người theo quy định tại Điều 150 và Điều 151 của Bộ luật hình sự 2015.
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
- Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
- Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
- Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều này.
- Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.
- Cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi quy định tại Điều này.
- Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
- Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.
- Giả mạo là nạn nhân.
- Hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này.
Quy định các quyền và nghĩa vụ của nạn nhân:
- Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản.
- Được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định của Luật này.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
- Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người.
- Hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân mua bán người
Tố cáo về hành vi mua bán người ở đâu?
Công an, ủy ban nhân dân xã, hoặc với bất kỳ cơ quan nào của nhà nước.
Cơ quan nào tiếp nhận và xác minh nạn nhân mua bán người?
- Ủy ban nhân dân xã
- Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển
- Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
- Cơ quan đại diện cho Việt Nam ở nước ngoài (Đại sứ quán)
Nạn nhân mua bán người được nhà nước hỗ trợ những gì?
Nơi ở:
- Nạn nhân được ở trong cơ sở bảo trợ xã hội (không quá 03 tháng), và được nhận trợ cấp hàng tháng, quần áo theo mùa và vật dụng cần thiết khác (như chăn, màn, chiếu, quần áo lót, khăn mặt, giày dép, thuốc chữa bệnh thông thường, băng vệ sinh…)
- Với trẻ em dưới 4 tuổi, mỗi tháng được nhận 1.350.000 đồng. Từ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi được nhận 1.080.000 đồng/tháng. Từ đủ 16 tuổi: 810.000 đồng/tháng.
Chi phí về nhà:
Nếu nạn nhân không muốn ở lại các cơ sở bảo trợ xã hội, sẽ được hỗ trợ tiền xe trở về nhà, và tiền ăn đi đường ít nhất là 70.000 đồng một người cho một ngày đi đường.
Khám, chữa bệnh:
Trong thời gian ở tại cơ sở bảo trợ xã hội, nạn nhân sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Hỗ trợ tâm lý:
Sẽ có cán bộ hỗ trợ tư vấn tâm lý nếu cảm thấy hoảng sợ, buồn, lo lắng
Trợ giúp pháp luật:
Các tổ chức, hoặc trung tâm trợ giúp pháp luật của nhà nước sẽ hướng dẫn về các thủ tục xác minh nạn nhân để nhận trợ cấp, và cùng tham gia vào quá trình khởi tố vụ án
Hỗ trợ học văn hóa, học nghề:
Nạn nhân của mua bán người được miễn hoặc giảm học phí, và hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn
Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn:
- Hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú là 1.000.000 đồng/người.
- Có thể đề nghị xin vay vốn tại ngân hàng chính sách của nhà nước
Bảo vệ nạn nhân:
- Nạn nhân và người nhà nạn nhân khi gặp nguy hiểm (như bị đe dọa), sẽ được bố trí nơi ở tạm lánh;
Nạn nhân của mua bán người được đảm bảo giữ bí mật thông tin cá nhân (tên họ, nơi ở…).
Tài liệu này có 02 câu hỏi dưới đây, mỗi đáp án đúng được tính 1 điểm tích lũy. Để lấy điểm tích lũy bạn cần đăng ký thành viên (nếu bạn chưa đăng ký).