1. Một số khái niệm bạn cần biết?
Theo điều 2 luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019:
Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Nhập cảnh là việc công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp.
Giấy thông hành là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam để qua lại biên giới theo điều ước quốc tế giữa Việt Nam với nước có chung đường biên giới.
Theo điều 3 luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019
Cửa khẩu là nơi người nước ngoài được phép nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh.
Thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (Visa là thị thực)
2. Thế nào là xuất cảnh an toàn?
- Điều kiện để công dân Việt Nam xuất cảnh hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam:
- Có giấy tờ xuất nhập cảnh (hộ chiếu, giấy thông hành) còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên.
- Thời hạn của hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:
+ Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
+ Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;
+ Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
- Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
- Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực.
- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
- Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định trên phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
* Lưu ý: Người xuất cảnh phải lưu ý làm đúng điều kiện xuất cảnh hợp pháp trên, các hành vi xuất cảnh không theo điều kiện trên đều là hành vi xuất cảnh trái phép.
- Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
3. Hậu quả của xuất cảnh trái phép:
Bị xử lý theo quy định pháp luật:
Theo điều 347 luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Theo điều 348 luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội môi giới, tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép sẽ có thể bị phạt tù lên đến 15 năm.
Gặp các rủi ro dẫn đến mua bán người:
- Đối tượng mua bán người có thể lợi dụng việc xuất cảnh trái phép để đưa người trái phép sang nước ngoài nhằm thực hiện hành vi mua bán người.
- Đối tượng mua bán người có thể làm giả giấy tờ, hồ sơ để đưa người trái phép sang nước ngoài.
- Đối tượng mua bán người đưa người trái phép sang nước ngoài nhằm các mục đích trong mua bán người: Môi giới lấy chồng, lấy vợ nước ngoài, Môi giới cho nhận con nuôi, Môi giới mang thai hộ, dẫn người lao động trái phép sang nước ngoài…
- Bản thân nạn nhân đã đi trái phép sang nước ngoài để đi thăm thân họ hàng, đi lao động trái phép qua biên giới, đi du lịch, đi chơi…Việc đi trái phép này gặp rất nhiều rủi ro về mua bán người.
4. Một số lưu ý để xuất cảnh an toàn và hợp pháp:
- Chỉ đi qua biên giới khi có giấy tờ đủ điều kiện theo quy định trên. Kiểm tra giấy tờ có đúng thông tin của mình không, mình có đồng ý với việc xuất cảnh đó không.
- Không đưa hộ chiếu, giấy tờ tùy thân bản gốc cho bất kỳ ai
- Khai báo tạm trú tạm vắng tại địa phương để chính quyền địa phương quản lý dân cư và bảo vệ quyền công dân kể cả khi người dân đang ở nước ngoài sinh sống và làm việc
- Nếu đi làm việc ở nước ngoài hãy photo và để lại cho gia đình tất cả các giấy tờ liên quan đến việc bạn ra nước ngoài lao động như hộ chiếu, hợp đồng lao động, số điện thoại, địa chỉ nơi bạn sẽ làm việc ở nước ngoài và toàn bộ giấy tờ liên quan khác
- Các hành vi làm giả giấy tờ, sử dụng giấy tờ giả, cung cấp thông tin sai sự thật để xuất cảnh đều là hành vi cấm theo quy định pháp luật
- Các hành vi môi giới, tổ chức đưa người trái phép qua biên giới đều là hành vi cấm theo quy định pháp luật và bị xử phạt hình sự
- Không nghe theo lời dụ dỗ sang biên giới trái phép, vì đối tượng mua bán người có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi mua bán người:
- Dụ dỗ lao động nước ngoài và đi theo con đường xuất cảnh trái phép
- Dụ dỗ lấy chồng nước ngoài và đi theo con đường xuất cảnh trái phép
- Dụ dỗ, lừa gạt đi trái phép sang nước ngoài để lấy chồng, lấy vợ nước ngoài, cho nhận con nuôi, buôn bán trẻ sơ sinh, bán lấy nội tạng và các mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động.
- Sang biên giới chơi, thăm thân họ hàng, du lịch…đi theo con đường xuất cảnh trái phép.