Thư viện

Nội dung : Thế nào là “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”?

Tải về(2,10 MB) Chia sẻ Thích
Nội dung
  1. “Mang thai hộ” là gì?

Theo khoản 22, khoản 23 điều 3 luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

  1. Điều kiện để mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

Theo điều 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và nghị định 98/2016/NĐ-CP

  • Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ được thực hiện khi các bên có sự tự nguyện. Sự tự nguyện này phải lập thành văn bản
  • Vợ chồng có quyền nhờ mang thai hộ khi có đủ các điều kiện:
    • Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
    • Vợ chồng đang không có con chung;
    • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
  • Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
    • Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
    • Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
    • Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
    • Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
    • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
  • Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
  • Vợ chồng nhờ mang thai hộ và vợ chồng người mang thai hộ phải có thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bản thỏa thuận này phải công chứng và phải có đầy đủ thông tin theo quy định pháp luật. Một số thông tin phải có trong bản thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như: Thông tin đầy đủ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của 2 bên, trách nhiệm nếu 1 trong 2 bên vi phạm thỏa thuận…
  1. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi vi phạm pháp luật
  • Hành vi cấm theo quy định pháp luật

Theo điểm g khoản 2 điều 5 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Mang thai hộ vì mục đích thương mại” là hành vi cấm:

2. Cấm các hành vi sau đây:

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại,lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;”

  • Xử lý hành chính

Theo điều 60 nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại

  • Xử lý hình sự

Theo điều 187 luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định hình phạt với người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại như sau:

“1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Các hành vi lợi dụng việc mang thai hộ nhằm thực hiện hành vi mua bán người hoặc hành vi mua bán người dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự. Tùy từng vụ việc, người phạm tội có thể bị xử lý mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Hiện nay, nhiều đường dây mua bán người dưới hình thức mang thai hộ ở ngoài đời và diễn biến phức tạp trên không gian mạng. Mỗi chúng ta cần cảnh giác vì đây là hành vi mua bán người, hết sức nguy hiểm.

Câu hỏi trả lời nhanh

1. Thế nào là việc “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”?

2. Theo quy định pháp luật, vợ chồng có quyền nhờ mang thai hộ khi có đủ điều kiện?

3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện gì?

4. Theo quy định pháp luật, hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào?

5. Theo quy định của pháp luật, người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào?

6. Đối tượng xấu có thể lợi dụng việc mang thai hộ để thực hiện hành vi?

Bình luận
avatar

Sùng thị mỷ 9b

Ý nghĩa và bổ ích

avatar

ly mí lử

Rất hữu ích

avatar

Cháng Thị Dín

Rất hay và ý nghĩa

avatar

Cháng Văn Giàng

ý nghĩa

avatar

Vang Dom

Rất hay ạ

avatar

ly mí lử

Chúng ta cần phải ghi nhận