Người sử dụng chất thường hay gặp các rối loạn tâm thần gì?
Các vấn đề rối loạn tâm thần có thể xuất hiện trước (là nguyên nhân) hoặc xuất hiện sau (là hệ quả việc sử dụng/ lạm dụng chất. Một số rối loạn tâm thần thường gặp ở người sử dụng chất bao gồm trầm cảm, các rối loạn loạn thần (như ảo giác, hoang tưởng) và rối loạn lo âu. Trong đó, trầm cảm là loại rối loạn tâm thần thường gặp nhất. Nhiều bệnh nhân trầm cảm thường uống rượu hoặc sử dụng ma túy với mong muốn cải thiện tâm trạng và làm vơi đi những nỗi đau tinh thần. Tuy nhiên, rượu là một chất gây ức chế thần kinh trung ương nên khi sử dụng có thể gây ra những triệu chứng trầm cảm như chán nản, buồn bã và tuyệt vọng. Do vậy, việc lạm dụng chất khiến trầm cảm trở nên trầm trọng hơn.
Vậy “Trầm cảm” là gì?
Trầm cảm là trạng thái buồn chán trong một thời gian dài (kéo dài liên tục ít nhất 2 tuần), gây cản trở khả năng làm việc và ảnh hưởng đến các mối quan hệ và giao tiếp xã hội.
Các triệu chứng của Trầm cảm
Những người mắc trầm cảm có thể gặp ít nhất 5 triệu chứng sau mỗi ngày:
- Cảm giác buồn hoặc cảm xúc trống rỗng
- Giảm sút rõ ràng các thích thú/ sở thích
- Tăng cân/ sút cân rõ ràng
- Thèm ăn/ chán ăn hầu như hằng ngày
- Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ hầu như hằng ngày
- Dễ khóc
- Cảm giác không có năng lượng, uể oải
- Cảm giác như mình vô dụng hoặc tội lỗi quá mức
- Cáu gắt, kích động/ vận động tâm thần chậm chạp hầu như hằng ngày
- Khó tập trung vào các hoạt động thường ngày
- Giảm khả năng suy nghĩ/ khó đưa ra quyết định hầu như hằng ngày
- Mất hứng thú với các hoạt động hay sở thích trước đây
- Có ý định tự sát hoặc thực hiện hành vi tự sát
Biểu hiện Trầm cảm có giống nhau ở mỗi người?
Trầm cảm thường được biểu hiện bởi cảm giác buồn bã, uể oải, thiếu sức sống và tuyệt vọng. Tuy nhiên, với một số người, đặc biệt là nam giới, trầm cảm còn được thể hiện qua sự cáu gắt, đố kị, tức giận. Biểu hiện của trầm cảm khác nhau ở mỗi người nhưng trầm cảm là một bệnh lý, hoàn toàn khác với các trạng thái cảm xúc thông thường. Cảm giác đau buồn, tiếc thương sau một sự mất mát lớn ví dụ như mất đi người thân, sẽ không được coi là trầm cảm bệnh lý nếu những cảm xúc này không kéo dài liên tục từ 2 tháng trở lên. Khác với trầm cảm bệnh lý, cảm xúc buồn bã không cản trở khả năng làm việc hay tham gia các hoạt động thường ngày của bạn. Còn khi mắc trầm cảm bệnh lý, những hoạt động thường ngày cũng trở nên quá sức đối với bạn và bạn thấy dường như mình bị kẹt trong trạng thái đó mãi mãi. Thấy rằng, chỉ có uống nhiều rượu, dùng ma túy, chơi cờ bạc hay quan hệ tình dục không an toàn mới có thể giúp bạn làm dịu những nỗi đau và cảm giác trống trải quá sức chịu đựng mà bạn cảm thấy khi mắc trầm cảm.
Trầm cảm bệnh lý khiến người bệnh đối diện nguy cơ cao mắc các tai nạn thương tích, tự hủy hoại và tự sát. Trầm cảm cũng gây ức chế hệ thống miễn dịch, làm cơ thể suy yếu, khiến bạn dễ mắc các bệnh lý về thể chất hay các bệnh mãn tính. Khi những bệnh nhân này sử dụng thêm rượu, các nguy cơ về sức khỏe thể chất và tâm thần ngày càng tăng cao. Việc chọn cho mình những phác đồ điều trị thích hợp có thể giúp bạn tránh được những hậu quả đáng tiếc của trầm cảm và lạm dụng chất, giúp bạn lấy lại một cuộc sống khỏe mạnh.
Những sự khích lệ, động viên, hỗ trợ từ đồng đẳng và gia đình rất quan trọng trong cuộc chiến với trầm cảm và lạm dụng chất.