Sáng ngày 26/8/2022 vừa qua, Dự án Em Vui đã tổ chức hội thảo trực tuyến "Chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường phối hợp để phòng chống tảo hôn và mua bán người cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại huyện Mèo Vạc và Yên Minh, tỉnh Hà Giang".
Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo, cán bộ cấp huyện, xã, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, trưởng thôn/bản, thầy cô giáo tại 2 huyện Mèo Vạc và Yên Minh. Từ phía Dự án Em Vui có Ts Khuất Thu Hồng, Giám đốc Dự án; ông Vũ Thanh Hiền, Phó Giám đốc Quan hệ đối tác tại Hà Giang của Tổ chức Plan International Việt Nam; cùng một số cán bộ phụ trách kỹ thuật và chuyên môn của Dự án.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ts Khuất Thu Hồng cho biết: "Qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn tăng cường sự hợp tác giữa đơn vị thực hiện dự án là Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Tổ chức Plan International Việt Nam với các cấp chính quyền tại địa phương để cùng nhau góp phần thực hiện Chương trình quốc gia về phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người do Uỷ ban Dân tộc và các cơ quan hữu quan khác đã triển khai trong những năm qua".
Trong phần nội dung thảo luận đầu tiên, các đại biểu tập trung tìm hiểu và phân tích về chủ đề phòng chống mua bán người (MBN), bao gồm các rủi ro về MBN, nhận diện thủ phạm và nạn nhân của nạn MBN, nhóm nguy cơ cao trở thành nạn nhân của MBN, phân tích luật pháp & chính sách về phòng chống MBN, tìm hiểu những hỗ trợ dành cho nạn nhân bị mua bán, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động thực tế của cán bộ cấp xã và trưởng các thôn/bản tại địa phương.
"Đặc điểm của địa phương là nhiều đường mòn, lối mở với biên giới Trung Quốc, thiếu việc làm do điều kiện công việc lại hạn chế, canh tác một vụ nên thời gian nhàn rỗi nhiều... vì vậy rủi ro về mua bán người khá cao",một dại điện của Yên Minh chia sẻ.
Ở phần thảo luận tiếp theo, các đại biểu đã phân tích các yếu tố làm gia tăng tình trạng tảo hôn tại địa phương, trong đó đặc biệt là các quan niệm “sợ ế”, “yêu là cưới” ở các em thanh thiếu niên, bất bình đẳng giới, đồng thời phong tục, tập quán như kéo vợ, thách cưới, đi sim, chợ phiên... hiện đã bị lợi dụng, biến tướng khiến tình hình tảo hôn tại địa phương trở nên phức tạp hơn. Bên cạnh đó tảo hôn hay xảy ra nhiều hơn ở trẻ em, thanh thiếu niên không đi học, chủ yếu vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các em thường phải bỏ học sớm để tham gia lao động phụ giúp gia đình.
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về những tồn tại và khoảng trống trong chính sách, pháp luật và thực thi pháp luật liên quan đến tảo hôn và mua bán người, đồng thời cũng đưa ra một số đề xuất cải thiện để các quy định chính sách, pháp luật & thực thi chính sách pháp luật liên quan phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người được hiệu quả hơn. Một số đại biểu nhấn mạnh cần huy động tối đa nguồn lực để đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người với các hình thức mới mẻ, thu hút và hiệu quả hơn; bên cạnh đó cần bổ sung các chương trình hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm hiệu quả phù hợp với đặc thù của địa phương, các mức phạt với tội phạm MBN, tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn cần nghiêm khắc hơn để tăng tính răn đe.
Cuối hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về cách thức tuyên truyền phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người hiệu quả, trong đó bao gồm cơ chế phối hợp để thúc đẩy sử dụng nền tảng cũng như những sản phẩm của Em Vui trong các hoạt động giáo dục, truyền thông phòng chống tảo hôn và mua bán người tại địa phương một cách hiệu quả nhất thông qua sự hỗ trợ, hợp tác của đại diện các cơ quan ban ngành, của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, trưởng thôn/bản cùng các thầy cô giáo tại Mèo Vạc và Yên Minh.