Ngày 16/3 vừa qua, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến "Chung tay cùng hành động nhằm chấm dứt nạn tảo hôn và phòng chống mua bán người cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số thông qua công nghệ số".
Tham gia hội thảo buổi sáng là đại diện các tổ chức xã hội thuộc Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet), tham gia hội thảo buổi chiều là đại diện Nhóm Công tác về Quyền trẻ em (CRWG) và đại diện các đơn vị, tổ chức làm việc về quyền trẻ em, thanh thiếu niên khác.
Tổng cộng hai buổi của hội thảo có hơn 30 đại diện đến từ các tổ chức: Trung Tâm Sáng Kiến Sức Khỏe Dân Số (CCIHP), Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam (CARE), Childfund, World Vision, Hagar, HCDC, BATIK International, Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), IHS, Taiwan Fund for Children and Families (TFCF VN), Khoa Công tác Xã hội ĐH Sư phạm Hà Nội, GTV Italy, Trung tâm TVPL và BTTP cho người Dân tộc thiểu số (LACEM)…
Hội thảo nhằm giới thiệu dự án Em vui cùng các sản phẩm của dự án đến các tổ chức xã hội làm về bạo lực giới, bảo vệ trẻ em, phòng chống tảo hôn và mua bán người, qua đó khuyến khích các tổ chức sử dụng rộng rãi những thông tin, sản phẩm của dự án và cùng chia sẻ những kinh nghiệm khi triển khai các dự án can thiệp liên quan. Ngoài ra, hội thảo còn là cơ hội để các tổ chức xã hội đóng góp ý kiến hoàn thiện hơn các sản phẩm của dự án, xây dựng kế hoạch hành động chung để thúc đẩy sử dụng nền tảng Em Vui tới cộng đồng lớn hơn, đồng thời cùng chia sẻ nguồn tài nguyên chung cho các hoạt động phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người của các tổ chức.
Cập nhật về tình hình hoạt động, tính tới đầu tháng 3/2022, dự án Em vui đã hoàn thành báo cáo khảo sát đầu kỳ; báo cáo phân tích chính sách; sổ tay an toàn mạng cùng 3 video hướng dẫn chi tiết; bốn tập phim trong chuỗi 12 phim truyện tranh “Hành trình của Mỉ” với nội dung nhằm giáo dục, truyền thông về phòng tránh tảo hôn, phòng chống mua bán người; tờ rơi giới thiệu dự án; pano ngoài trời tuyên truyền về phòng chống mua bán người, phòng chống tảo hôn; hơn 30 tài liệu về các chủ đề kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng chống tảo hôn, kỹ năng phòng chống mua bán người, sức khoẻ sinh sản…Các sản phẩm này đều đã được dự án đăng tải trên nền tảng Em vui, ghi nhận hàng nghìn lượt xem, đọc và tải về. Dự án cũng đã tập huấn cho 300 cốt cán (thầy cô giáo, cán bộ huyện, xã tại vùng dự án) về an toàn mạng và thúc đẩy sử dụng nền tảng Em vui, qua đó các cốt cán sẽ tập huấn lại những nội dung này cho hơn 15.000 em từ 10-24 tuổi tại địa bàn dự án trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức cuộc thi viết kịch bản và đóng tiểu phẩm (sân khâu hóa) với chủ đề phòng chống mua bán người cho 52 xã thuộc địa bàn dự án.
Một số sản phẩm chính trên nền tảng Em vui.
Nền tảng trực tuyến Em vui cũng đã hoàn thiện và đi vào vận hành từ tháng 10/2022, bao gồm một website (https://emvui.vn), 1 ứng dụng mang tên Em vui trên kho ứng dụng CH Play và App Store. Cả website và ứng dụng đều được xây dựng theo ngôn ngữ thiết kế hiện đại nhằm tối ưu việc kết nối tới nền tảng kể cả trong điều kiện đường truyền internet không ổn định tại vùng sâu, vùng xa. Dung lượng của ứng dụng cũng được tối ưu hoá để đạt kích thước chỉ dưới 10MB nhằm tránh chiếm dụng tài nguyên bộ nhớ của thiết bị. Nền tảng cũng được các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại địa bàn dự án hoan nghênh và sử dụng. Hiện đã có tổng cộng hơn 600 em đăng ký thành viên cùng hơn 20.000 lượt tương tác trên nền tảng, trung bình 144 lượt mỗi ngày.
Bên cạnh đó, thông tin về nền tảng Em vui còn được đăng tải lên 6 trang mạng xã hội là Facebook, Youtube, Zalo, Instagram, Twitter, Tik Tok, đều mang tên Dự án Em vui. Trên Fanpage Em vui có những bài đăng đạt hơn 14.000 người thích, hàng trăm bình luận và chia sẻ.
Có thể truy cập vào nền tảng Em vui từ máy ví tính, máy tính bảng và điện thoại (Android và IOS).
Dự án cũng nhận được sự tài trợ của Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup tài trợ 1.000 máy điện thoại thông minh Vinsmart Star5 cho các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tiếp cận dự án Em Vui, đặc biệt trong mỗi máy đều có 1 vSIM để các em có thể kết nối internet miễn phí với dung lượng 10GB/tháng trong vòng 18 tháng sau khi kích hoạt.
1.000 điện thoại Vinsmart Star5 do Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup tài trợ đã đến tay các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số thông qua dự án Em vui.
“Trên đây là những sản phẩm, hoạt động của dự án từ khi bắt đầu triển khai đến nay. Dự án rất muốn chia sẻ để các tổ chức có thể hình dung cách thức dự án được triển khai, đã làm ra những sản phẩm gì. Đây cũng có thể xem như những bài học kinh nghiệm chúng tôi muốn chia sẻ để mọi người có thể áp dụng hoặc rút kinh nghiệm cho các hoạt động của chính tổ chức mình. Chúng tôi cũng mong các tổ chức sử dụng càng nhiều sản phẩm của dự án càng tốt, coi đó như một nguồn dữ liệu bổ sung thêm cho hoạt động của các tổ chức”, Ts Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS, Giám đốc Dự án Em vui, chia sẻ.
Sự bền vững của Dự án được rất nhiều đại biểu quan tâm. Chia sẻ về vấn đề này, Ts Khuất Thu Hồng cho biết không một dự án nào có thể tồn tại mãi. Sẽ luôn có sự thay đổi của bản thân các vấn đề các tổ chức đang làm việc, sự vận động của xã hội, sự thay đổi trong nhận thức của mọi người. Về mặt tâm lý, ít ai có thể theo đuổi một dự án giống hệt như vậy trong vòng 5 – 10 năm, nếu có chắc phải bắt đầu bằng một cái mới hoặc làm với phương pháp khác. Đó cũng là lý do tại sao các dự án không kéo dài mãi. Một trong những cách để dự án được bền vững là càng chia sẻ, lan tỏa rộng những thông tin, sản phẩm của dự án đến với nhiều người, được sử dụng nhiều càng tốt. Tính bền vững nằm ở chính sự thay đổi nhận thức của mọi người nhờ những thông tin/sản phẩm này. Ngoài ra, khi kết thúc dự án ISDS sẽ tích hợp nền tảng Em vui vào website của ISDS, qua đó ai cũng có thể tiếp cận đến nguồn tài nguyên do dự án Em vui tạo ra.
Vấn đề bảo mật dữ liệu của những người tham gia nền tảng Em vui cũng được một số đại biểu băn khoăn. Ts Khuất Thu Hồng cho biết dự án cần có những thông tin cụ thể của những người tham gia để theo dõi được quá trình các em tham gia, cũng như sự thay đổi về nhận thức và kiến thức của các em để theo dõi các trường hợp. Ngoài ra còn có những hoạt động như giải thưởng, trao quà, vì vậy cũng cần nắm rõ thông tin để có thể trao quà tới đúng đối tượng đích của dự án. ISDS và tổ chức Plan Việt Nam đều là những tổ chức phi lợi nhuận, vì vậy không có lý do gì để sử dụng dữ liệu của các em vì mục đích lợi nhuận. Đây cũng là cam kết của dự án đối với nhà tài trợ là EU và Plan Bỉ. Chúng tôi đã báo cáo với họ tất cả cách thức sử dụng và quản lý dữ liệu của dự án và họ cũng đã đồng ý với cách thức của chúng tôi. Mọi thông tin riêng tư của các em đều được bảo mật tuyệt đối, việc sử dụng tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh của các em phải có sự đồng ý của các em nếu các em trên 18 tuổi và phải được sự đồng ý của cha mẹ, đại diện nhà trường nơi các em học tập với các em dưới 18 tuổi.
Thảo luận về cách phối hợp trong thời gian tới, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều ý kiến:
Ts Hoàng Tú Anh, Phó Giám đốc CCIHP, Trưởng mạng lưới GBVNet: “Qua buổi hội thảo hôm này có thể thấy các tổ chức trong GBVNet có nhiều điểm có thể làm chung với nhau, trong đó nhóm dân tộc thiểu số cũng là nhóm ưu tiên trong rất nhiều tổ chức. Chính vì vậy việc phối kết hợp nền tảng Em vui với hoạt động của các tổ chức rất có tiềm năng. Có lẽ trong các chương trình sinh hoạt truyền thông của GBVNet nên tổ chức những buổi thảo luận chuyên môn về một chủ đề cụ thể, chẳng hạn như mua bán người, an toàn trên mạng và mời các tổ chức đang làm về vấn đề này chia sẻ. Bên cạnh đó, để các tổ chức thuận tiện sử dụng trong các hoạt động của mình, dự án Em vui cũng nên xây dựng một bản tóm tắt về những tài nguyên của dự án Em vui, đồng thời nêu rõ nguyên tắc chia sẻ và sử dụng lại những tài nguyên này”.
Đại diện CCIHP: “CCIHP hiện đang có những lớp học mùa hè giành cho các giáo viên về giáo dục giới tính, giáo dục toàn diện, và hoàn toàn có thể đưa chủ đề này vào, đồng thời mời dự án tham gia chia sẻ 1 phần trong lớp tập huấn. CCIHP cũng sẽ chủ động giới thiệu nền tảng Em vui đến các đơn vị, tổ chức CCIHP biết để họ sử dụng khi cần. CCIHP cũng đang triển khai một số hoạt động liên quan đến an toàn trên mạng, phòng chống mua bán người, phòng chống tảo hôn và có thể giới thiệu dự án Em vui trong các hoạt động này”.
Bà Phạm Tuyết - HCDC: “Chúng tôi rất kỳ vọng vào nền tảng này vì nó mở và khá toàn diện, nhiều người có thể cùng tham gia vào. Sau hội thảo này tôi sẽ trải nghiệm Em vui để có thêm nhiều ý kiến đóng góp để Em vui có thể hoàn thiện hơn, các dân tộc khác cũng có thể tham gia vào”.
Ông Cường - Childfund: “Hiện tôi đang phụ trách các nhóm dự án về an toàn trên mạng của Childfund, cũng hướng đến các nhóm dân tộc thiểu số. Tôi thấy các video về an toàn trên mạng của Em vui rất hay, phù hợp. Mong muốn trong thời gian tới có những hoạt động phối hợp cùng nhau”.
Bà Như Hoa - World Vision: “Đây là dự án thiết thực, bổ ích. Nội dung và hình thức tiếp cận rất hấp dẫn. Những sản phẩm của Em vui đã và đang được chúng tôi sử dụng nhiều trong các hoạt động cộng đồng của một số dự án World Vision đang triển khai”.
Bà Nguyệt Quế - GTV Italy: “GTV cũng đang hưởng lợi từ ứng dụng Em vui. GTV cũng sẽ lan toả ứng dụng của Em vui đến những vùng dân tộc thiểu số để mọi người có thể biết đến ứng dụng này”.
Bà Phương Anh - khoa Công tác Xã hội, đại học Sư phạm Hà Nội: “Những tài liệu, phim truyện tranh và những ấn phẩm của Em vui đều rất đẹp và ấn tượng. Chúng tôi có thể đưa ứng dụng Em vui này vào thành kênh tham khảo, vào nội dung tài liệu, vào bài giảng cũng như chương trình tham khảo mà chúng tôi đang xây dựng”.
Ngay sau hội thảo, dự án Em vui đã tập hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu cùng khung của kế hoạch hành động chung giữa các tổ chức xã hội về chủ đề phòng, chống mua bán người, phòng chống tảo hôn để gửi đến các tổ chức xin ý kiến, hoàn thiện và triển khai các hoạt động trong khung hành động chung này.
Hội thảo là một trong những hoạt động được triển khai trong khuôn khổ dự án EMPoWR do Liên minh châu Âu và tổ chức Plan International Bỉ đồng tài trợ.