Ngày 04/03/2023, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Dự án Em Vui đã tổ chức Hội thảo “Công bố kết quả khảo sát giữa kỳ & thảo luận về tính bền vững của nền tảng Em Vui” và Tọa đàm “Thanh thiếu niên nói không với tảo hôn và mua bán người”. Đây là hai trong những hoạt động quan trọng nằm trong khung kế hoạch triển khai dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số - Em Vui” do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và tổ chức Plan International Việt Nam triển khai thực hiện với sự đồng tài trợ của Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Plan International Bỉ.
Hội thảo “Công bố kết quả khảo sát giữa kỳ & thảo luận về tính bền vững của nền tảng Em Vui” được tổ chức vào buổi sáng ngày 04/03/2023 với sự tham gia của hơn 40 đại biểu thuộc chính quyền địa phương tại tỉnh Quảng Bình, bao gồm, đại diện tỉnh đoàn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và đại diện phòng Giáo dục và đào tạo, huyện đoàn, hội phụ nữ…của 3 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Minh Hóa cùng đại diện các thầy cô giáo của các trường THCS và các cán bộ cấp xã thuộc 10 xã nằm trong địa bàn dự án Em Vui là Kim Thủy, Ngân Thủy, Trường Sơn, Trường Xuân, Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Tiến, Thượng Hóa, Trung Hóa và Hồng Hóa.
Khai mạc tại hội thảo, Ts Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Giám đốc dự án Em Vui, phát biểu: "Với những kết quả tích cực mà dự án Em Vui đã đạt được trong thời gian qua, chúng tôi mong hội thảo được tổ chức tại tỉnh Quảng Bình hôm nay chính là cơ hội để chúng ta cùng thảo luận để đưa ra những giải pháp hữu ích, qua đó có thể tiếp tục duy trì và phát triển bền vững nền tảng Em Vui sau khi dự án kết thúc vào ngày 30/6/2023 tới đây”.
Ts Khuất Thu Hồng – Giám đốc dự án Em Vui khai mạc hội thảo tại tỉnh Quảng Bình.
Tham gia hội thảo, các đại biểu thuộc các cấp chính quyền tại tỉnh Quảng Bình được lắng nghe Dự án trình bày kết quả khảo sát đánh giá cấu trúc, chức năng, và nội dung của nền tảng Em Vui (Đợt 2). Thông qua kết quả khảo sát này, 100% trong số 133 đại diện nhóm cán bộ thuộc cấp trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí – truyền thông, cơ quan đoàn thể hội phụ nữ, đoàn thanh niên và 152 em đại diện nhóm thanh thiếu niên DTTS từ 10 đến 24 tuổi tại 4 tỉnh của dự án là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị đều đánh giá mức độ “Hài lòng” hoặc “Rất hài lòng” về chức năng và nội dung của nền tảng Em Vui với các sản phẩm Em Vui trên các kênh thông tin: website, ứng dụng điện thoại và 2 trang mạng xã hội là Facebook, Youtube được Dự án phát triển và kết nối với người dùng nhiều nhất.
Hình ảnh Hội thảo được tổ chức tại tỉnh Quảng Bình.
Sau phần công bố kết quả khảo sát giữa kỳ của nền tảng Em Vui, các đại biểu tham gia hội thảo đã cùng thảo luận về giải pháp duy trì nền tảng Em Vui và tính bền vững của Dự án sau khi dự án kết thúc.
“Dự án Em Vui với những kết quả đã đạt được đã đóng góp vào chương trình quốc gia về phòng chống tảo hôn và mua bán người. Chính quyền địa phương cam kết phối hợp cùng với dự án để nhân rộng truyền thông tới toàn bộ 151 các xã, phường cùng với toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nền tảng Em Vui với các tập phim hoạt hình được xây dựng rất hay và công phu, thông qua nền tảng Em Vui này các xã có thể lấy các tập phim để chiếu vào giờ giải lao, giờ ngoại khóa cho các em học sinh trong trường học. Rất tiếc nếu dự án kết thúc vào tháng 6 tới đây, Dự án nên huy động tài trợ để sản xuất thêm nội dung và tổ chức các cuộc thi, chương trình cho các em…” Phần phát biểu tham luận về giải pháp duy trì nền tảng Em Vui của bà Dương Thị Thương – Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình.
Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phát biểu tham luận tại hội thảo.
Phần thảo luận diễn ra sôi nổi, các cán bộ đều đánh giá cao những sản phẩm, chương trình cũng như các hoạt động mà dự án Em Vui đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Các đại biểu tham gia hội thảo đều mong muốn dự án Em Vui tiếp tục được duy trì và nhân rộng, bên cạnh đó các đại biểu đều rất mong muốn dự án huy động thêm sự tài trợ để có thêm nguồn lực, từ đó có thể xây dựng thêm nhiều sản phẩm giáo dục, truyền thông hơn nữa để Em Vui tiếp tục phát triển và là người bạn đồng hành của thanh thiếu niên DTTS cũng như thanh thiếu niên trên mọi miền tổ quốc.
Bế mạc hội thảo, Bà Lê Thị Ngọc Hà – Phó Bí thư thường trực tỉnh đoàn tỉnh Quảng Bình, cơ quan phối hợp triển khai các hoạt động của dự án Em Vui tại tỉnh Quảng Bình phát biểu “Sau một buổi sáng chúng ta đã làm việc rất nghiêm túc và tích cực để cùng thảo luận, có những chia sẻ về các giải pháp duy trì tính bền vững của nền tảng Em Vui, chúng tôi hy vọng với những thảo luận trong buổi sáng hôm nay, Ban quản lý dự án sẽ nghiên cứu và trao đổi thêm với các bên liên quan, để tìm ra cách thức phù hợp duy trì nền tảng Em Vui sau khi dự án kết thúc. Với những kết quả mà dự án đã đạt được, tôi rất hy vọng dự án tiếp tục phát triển và có những hoạt động hỗ trợ thanh thiếu niên DTTS”.
Bà Lê Thị Ngọc Hà – Phó Bí thư thường trực tỉnh đoàn tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội thảo.
Hình ảnh tại Hội thảo được tổ chức tại tỉnh Quảng Bình.
Chương trình tọa đàm “Thanh thiếu niên nói không với tảo hôn và mua bán người” được triển khai vào buổi chiều cùng ngày với sự tham gia của các đại biểu đã tham dự hội thảo buổi sáng và đặc biệt buổi tọa đàm có sự tham gia của các em học sinh trong câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi trường THCS Trường Xuân, xã Trường Xuân, Huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Mục tiêu của chương trình nhằm cung cấp thông tin cho thanh thiếu niên DTTS (10-24 tuổi) thuộc nhóm đích của dự án tại tỉnh Quảng Bình thông qua việc trả lời câu hỏi liên quan tới chủ đề phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người do chính các em đặt và gửi về dự án. Đồng thời, thông qua buổi tọa đàm, các cán bộ các cấp cùng được lắng nghe những thắc mắc, mong muốn, đề xuất của các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số liên quan đến các vấn đề nói trên để từ đó chính quyền địa phương có những chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới, giúp củng cố thêm các cam kết thực hiện và hành động của địa phương về “Chương trình quốc gia về chấm dứt tảo hôn và buôn bán người”.
Mở đầu chương trình tọa đàm là các tiết mục văn nghệ đặc sắc của cô giáo đến từ trường THCS Trường Sơn và các em học sinh đến từ trường THCS Trường Xuân.
Tiết mục văn nghệ của các em học sinh và của cô giáo.
Chương trình toạ đàm được dẫn dắt bởi 01 em trong câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi. 15 câu hỏi thắc mắc về chủ đề phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người của chính các em tại tỉnh Quảng Bình đặt ra đều đã được Giám đốc dự án và cán bộ thuộc các phòng ban khác nhau trả lời cũng như cung cấp các thông tin hữu ích tới các em.
Một số hình ảnh trong buổi Tọa đàm “Thanh thiếu niên nói không với tảo hôn và mua bán người”.
Rất nhiều câu hỏi lý thú đã được các em đặt ra như “Học sinh có quyền yêu sớm hay không?”, “Vì sao phải cảnh giác với những tài khoản lạ ở trên mạng xã hội?”, “Hiện tượng đi sim vẫn còn diễn ra phổ biến dẫn đến tảo hôn, vậy em muốn hỏi là làm thế nào để phòng tránh”, “Có những rủi ro gì khi em tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội”, “Người thân của em có thể là kẻ mua bán người không”…Nội dung chương trình tọa đàm này cũng đã được ghi hình và sẽ được đăng tải trên nền tảng Em Vui trong thời gian tới.
Ts Khuất Thu Hồng phát biểu bế mạc tọa đàm: “Dự án hy vọng với những trao đổi ngày hôm nay, các em sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích và cần thiết để tự tin phòng tránh tảo hôn và phòng chống mua bán người. Chương trình tọa đàm tại tỉnh Quảng Bình ngày hôm nay sẽ được đưa lên nền tảng Em Vui để không chỉ các em ở tỉnh Quảng Bình mà các em ở Lai Châu, Hà Giang, Quảng Trị và nhiều địa phương khác sẽ theo dõi, từ đó, giúp các em có thể trang bị cho mình thêm nhiều thông tin, kiến thức. Trong thời gian tới dự án sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm ở các tỉnh dự án còn lại và các chương trình tọa đàm đó cũng sẽ được đăng tải trên các kênh của nền tảng Em Vui”.
Ts Khuất Thu Hồng – Giám đốc dự án phát biểu bế mạc chương trình Tọa đàm.