Buổi sáng ngày 17/11/2022, Dự án Em Vui đã có buổi hướng dẫn trực tiếp cho khoảng 50 cốt cán là các thầy cô giáo, cán bộ xã, cán bộ hội phụ nữ, cán bộ đoàn thành niên…của 10 xã thuộc địa bàn dự án Em Vui tại tỉnh Quảng Bình về việc triển khai thực hiện hoạt động “Thúc đẩy sử dụng nền tảng Em Vui” - Giai đoạn 3.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và tổ chức Plan International Việt Nam đồng triển khai thực hiện với sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Plan International Bỉ.
Trong giai đoạn 3, mục tiêu của dự án Em Vui là thúc đẩy truyền thông trực tiếp với 3.000 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 10 đến 24 thuộc địa bàn dự án tại tỉnh Quảng Bình (mỗi xã 300 em) về việc sử dụng nền tảng Em Vui một cách chuyên sâu hơn. Nội dung của các buổi truyền thông sẽ trao đổi, hướng dẫn các em về một số nội dung chính như sau: hiểu rõ ràng về cách thức tham gia chương trình “Tích điểm – nhận quà” trên website và ứng dụng Em Vui, cùng tương tác và tham gia các trò chơi, trả lời câu hỏi để nâng cao nhận thức về phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người, cùng tham gia đặt câu hỏi về quyền, kiến thức liên quan tới chủ đề phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người với nhà hoạch định và thực thi chính sách các cấp thông qua chuyên mục đối thoại chính sách gián tiếp…Ngoài ra, mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 3 còn thực hiện truyền thông các cuộc mở rộng trong các giờ chào cờ, giờ sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học và lồng ghép trong các buổi họp của xã, thôn/bản để lan tỏa thông điệp và truyền thông mạnh mẽ sử dụng nền tảng Em Vui tới cộng đồng đông đảo hơn. Cũng trong tháng 11 này, Ban quản lý dự án Em Vui sẽ trực tiếp triển khai thí điểm hoạt động “Thúc đẩy sử dụng nền tảng Em Vui” – Giai đoạn 3 này ở một số xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Dự kiến, hoạt động sẽ được triển khai và hoàn thành trước tháng 2 năm 2023 tại 52 xã, 11 huyện, của 4 tỉnh dự án Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị. Hoạt động do chính các cốt cán địa phương thực hiện, dưới sự giám sát và hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và tổ chức Plan International Việt Nam.
Sau khi kết thúc triển khai giai đoạn 3, dự án Em Vui mong muốn các em thanh thiếu niên tiếp tục sử dụng nền tảng Em Vui một cách thường xuyên như một người bạn đồng hành để chuẩn bị cho mình những kiến thức, kỹ năng phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người, từ đó, giúp các em thanh thiếu niên tự tin hơn và lớn lên một cách an toàn và mạnh khỏe. Dự án Em Vui khuyến khích chính quyền địa phương, các thầy cô giáo, các tổ chức đoàn thể (hội phụ nữ, đoàn thanh niên) tiếp tục sử dụng những sản phẩm giáo dục truyền thông trên nền tảng Em Vui như là một công cụ đắc lực và hữu ích trong công tác truyền thông tại địa phương. Vì một mục tiêu“Chung tay hành động nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và phòng chống mua bán người”.