Trong những năm gần đây, tình trạng bắt cóc, mua bán người ở Việt Nam gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh biên giới. Theo thống kê từ năm 2015 đến 2020, ở nước ta đã phát hiện 1.300 vụ với gần 1.700 đối tượng, và gần 3.000 nạn nhân, trong đó nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...
Theo các nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), những kẻ mua bán người thường kết nối với nhau tạo thành các đường dây xuyên biên giới. Chúng dùng nhiều thủ đoạn, lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, cả tin, mất cảnh giác của nạn nhân để lừa dối, ép buộc, đe doạ khiến cho nạn nhân tin tưởng hoặc sợ hãi mà phải làm theo ý của chúng. Chúng cũng lợi dụng tối đa hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa ở khu vực biên giới để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó lừa bán nạn nhân ra nước ngoài.
Để hạn chế những hệ luỵ đáng tiếc của nạn mua bán người, kể từ năm 2016, ngày 30/7 hàng năm được Việt Nam chọn là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.
Cũng vì vậy, để hưởng ứng và góp phần vào công cuộc đấu tranh, đẩy lùi tội phạm mua bán người ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, thanh niên vùng dân tộc thiểu số, Dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” hay còn được gọi là dự án Em Vui được ra đời nhằm giúp trẻ em gái, trẻ em trai, nam, nữ thanh niên dân tộc thiểu số được nâng cao kiến thức và kỹ năng để bảo vệ bản thân trước nạn mua bán người và tảo hôn thông qua nền tảng trực tuyến Em Vui. Đồng thời Dự án còn mong muốn huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy sử dụng nền tảng trực tuyến để bảo vệ trẻ em, nam nữ thanh niên dân tộc thiểu số khỏi nạn buôn người và tảo hôn.
Thời gian qua, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện nền tảng trực tuyến Em Vui, Dự án đã thực hiện sáu tài liệu liên quan đến phòng, chống mua bán người, trong đó bao gồm một báo cáo phân tích hiện trạng việc thực thi khung pháp lý và chính sách về nạn buôn bán người; một tài liệu giới thiệu về một số luật cơ bản của Việt Nam liên quan đến phòng, chống mua bán người; và bốn tài liệu về nhận diện và ứng phó với tội phạm mua bán người.
Ứng dụng Em Vui hiện cũng đã có mặt trên cửa hàng ứng dụng (CH Play và App Store) với hàng chục người tham gia trải nghiệm hàng ngày kể từ ngày 1/7/2021. Bạn có thể tại ứng dụng tại đây:
CH Play: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.vn.emvui
App Store: https://apps.apple.com/us/app/em-vui/id1573152945
Góc thông tin: Ngày 30/7 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người”. Ngày này được xem như một cột mốc quan trọng để thế giới quan sát, nhìn nhận về tình hình mua bán người, qua đó nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ. Chủ đề chính của “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” năm nay là “Lắng nghe nạn nhân – Dẫn lối hành động”. Với thông điệp này, Liên Hợp Quốc muốn nhấn mạnh việc lắng nghe và thấu hiểu nạn nhân, đồng thời lấy nạn nhân là trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người.